Chuyện chưa kể về lá cờ khổng lồ nơi đảo Trường Sa
Trở về từ Trường Sa, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy nói về dự án đầy ý nghĩa vừa hoàn thành ở đảo Trường Sa Lớn với nụ cười rạng rỡ và hạnh phúc. Đó là lá cờ đỏ sao vàng bằng gốm rộng 310m2, đã hiện diện ở một trong những nơi thiêng liêng nhất của Tổ quốc.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy gần chục năm nay đã trở thành cái tên quen thuộc bởi chị là tác giả của công trình “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” bấy lâu nức tiếng. Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long vừa hoàn thành, không chịu ngồi yên “nhấm nháp” dư vị của thành quả lao động, họa sĩ Thu Thủy đã lại nuôi dưỡng những ý tưởng mới và quyết tâm thực hiện, nói theo cách của chị là “ước mơ cả đời” - một lá cờ bằng gốm trên đảo Trường Sa Lớn, để từ trên máy bay, vệ tinh hay Google Earth đều có thể nhìn thấy cờ Việt Nam nổi bật trên nền cây cối xanh của đảo.
Ý tưởng này nảy ra trong đầu chị từ cuối tháng 7/2011 đến 12/2011 lần đầu tiên, họa sĩ Thu Thủy được ra thăm Trường Sa. Trong chuyến đi này, chị có dịp “thực mục sở thị” về địa hình địa thế đảo, về cuộc sống của cán bộ chiến sĩ và cư dân huyện đảo Trường Sa. Ý định của chị được cán bộ chiến sĩ và cư dân trên đảo nhiệt tình hưởng ứng.
30 nghệ sĩ của Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội, những người đã từng cùng nhau làm nên “Con đường gốm sứ” Hà Nội lại có dịp thể hiện sự khéo léo. Gần 2 tháng, những hình hài đầu tiên của lá cờ khổng lồ đã được ghép công phu từ những viên mosaic nhỏ, những mẻ gốm nối tiếp nhau ra lò. Việc làm “Con đường gốm sứ” khó một thì làm lá cờ gốm ở Trường Sa khó khăn gấp cả trăm lần. Họa sĩ Thu Thủy kể, khó khăn đầu tiên phải đối mặt là vận chuyển 94 thùng gốm, mỗi thùng nặng xấp xỉ 100kg được chuyển từ Hà Nội vào 2 điểm tập kết là cảng Cam Ranh- Khánh Hòa và cảng Cát Lái - TP Hồ Chí Minh. Từ đó, tiếp tục vận chuyển bằng đường biển ra đảo. Tất cả các khâu này phải chuẩn xác về thời gian. Chậm một nhịp là phải chờ thêm nhiều ngày nữa mới có chuyến tàu khác ra đảo.
Hoạ sĩ cho biết thêm: “Khi thi công cụm công trình này việc đầu tiên là phải đảm bảo đúng tiến độ, trong khi thời tiết trên biển Đông vốn rất thất thường và khắc nghiệt. Vì thế, chúng tôi phải gấp rút triển khai công trình trong ba tháng mùa biển lặng, sang mùa biển động sẽ vô cùng khó khăn trong việc vận chuyển và đi lại. Tâm huyết, quyết tâm và tình yêu dành cho Trường Sa đã giúp chúng tôi vượt lên tất cả!”.
Được hỏi vì sao tác giả công trình lại có sự tự tin như vậy khi sử dụng gốm ở nơi nhiều sóng gió và khí hậu khắc nghiệt, họa sĩ Thu Thủy cho biết chị đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, rồi xin ý kiến các chuyên gia, những người đã tận tay khai quật các con tàu đắm ở biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Dầm (Kiên Giang), Hòn Cau (Vũng Tàu), Bình Thuận có niên đại từ cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16. Tận mắt chị nhìn thấy gốm là chất liệu bền vững, những món đồ gốm Chu Đậu hay Bát Tràng, ngâm cả mấy trăm năm dưới biển, khi vớt lên chỉ hơi có chút đổi màu, vẫn nhận rõ những nét vẽ men lam và men tam thái. Những mảnh gốm mosaic với kích thước 3x3 cm ghép nên lá cờ Tổ quốc rộng 310m2 đã được nghệ nhân làng nghề Bát Tràng nung ở 1.200 độ C. Men lên màu đỏ tươi. Những người trong nghề gốm đều biết, làm được màu men đỏ tươi là rất khó. Chỉ có thể làm được khi nung trong các lò gas hiện đại, nhiệt độ được kiểm soát tốt và chỉ nung riêng loại gốm đó, tuyệt đối không lẫn với những loại gốm khác.
Lá cờ Tổ quốc gắn gốm được đặt trên nóc Hội trường trung tâm đảo. Để đưa được lá cờ lên đó, đã phải dỡ phần mái tôn - mái cũ của đảo, xây dựng mái mới bằng bê tông cốt thép với một mái vát chéo. Khác với các bức tranh gốm khác được thực hiện theo chiều thẳng đứng, lá cờ thiết kế theo không gian thứ 5, dành cho không gian công nghệ số, rất tiện lợi về phần hình ảnh khi tìm trên Google map và Google Earth. Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cũng tiết lộ, lá cờ được kết dính bằng một loại xi măng đặc biệt, chống ăn mòn của muối biển. Và sau 3 tháng thi công, lá cờ gắn gốm khổng lồ đã được hoàn thành trong niềm vui của cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo.
Cùng với lá cờ còn có 4 bức tranh gốm gắn trên 4 mặt của 2 bức tường (cao 2,8m, dài 9m) do 4 họa sĩ vẽ phác thảo: Nguyễn Thu Thuỷ, Doãn Sơn, Phạm Viết Hồng Lam và Bùi Viết Đoàn. Trong đó, hai bức tranh hướng về phía đường băng trung tâm đảo thể hiện lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam gắn bó với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thể hiện nét đẹp văn hóa của ba miền Bắc-Trung-Nam và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; một bức ca ngợi vẻ đẹp hiên ngang của người chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió đang canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc. Hai bức tranh phía sau là cảnh làng quê Việt Nam thân thuộc với bờ ao, đụn rơm, gốc mít; một bức là hoa sen, hoa đào, hoa mai, gợi những hình ảnh thân quen hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của các chiến sĩ.
Ngay sau khi khánh thành, Lá cờ Tổ quốc chất liệu gốm tại đảo Trường Sa Lớn đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, xác nhận là “Lá cờ Tổ quốc Việt Nam bằng chất liệu gốm lớn nhất”. Thượng tá Đinh Văn Hải, Đảo trưởng đảo Trường Sa nhận xét: Công trình này là một tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, phản ánh được hồn dân tộc Việt nơi đảo xa, lá cờ này cùng với cột mốc, giúp đồng bào, đồng chí trong đất liền, kiều bào ở nước ngoài, xa hơn nữa giúp các nước trên thế giới hiểu đầy đủ hơn về nét văn hóa của người Việt Nam cùng chủ quyền biển đảo của Việt Nam là bất khả xâm phạm”. Thượng tá Đinh Văn Hải cho biết thêm, lá cờ này sẽ được quân và dân thị trấn Trường Sa gìn giữ và phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Theo Quỳnh Vân
An ninh Thủ đô