1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện cảm động ở Trung tâm điều dưỡng người có công

(Dân trí) - “Nếu không có nơi này thì có lẽ đã chết, đây là nhà, là tổ ấm bình yên, là đặc ân mà cuộc đời dành cho tôi…” - người lính Mai Trọng Bái (84 tuổi) rưng rưng khi nói về ngôi nhà thứ 2 của cuộc đời.

Bình yên nơi mái nhà thứ 2

Sau những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, do ảnh hưởng nặng nề và tàn khốc bởi sức ép của bom mìn, đạn pháo trong chiến tranh, họ trở thành những người mang bệnh tật, có người vĩnh viễn bỏ lại một phần cơ thể ở chiến trường. Họ được đưa về Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hoá- ngôi nhà chung thứ hai suốt phần đời còn lại.

Những người lính anh dũng năm nào giờ đây trở về đời thường, họ phải chiến đấu với nỗi đau thể xác và tinh thần. Có người quên luôn cuộc sống của chính mình, lúc tỉnh lúc mê hay những đứa con của người lính vì ảnh hưởng của chất độc da cam mà trở nên tàn tật….

Chuyện cảm động ở Trung tâm điều dưỡng người có công - 1

Cụ Bi kể về những năm tháng khốc liệt của chiến tranh khiến một phần cơ thể đã ở lại chiến trường.

Cụ Mai Trọng Bái sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hoá. Theo tiếng gọi của Tổ Quốc, cụ Bái lên đường nhập ngũ và chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, Huế. Năm 1969, cụ bị thương lần đầu và mất 21% sức khoẻ. Sau khi được đưa ra Quân khu 4 điều trị ổn định, cụ tiếp tục quay vào chiến đấu ở Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào.

Đến năm 1971, trong lúc đi tập kích, đánh quân đổ bộ, cụ bị thương nặng, chân phải và mắt trái đã ở lại chiến trường từ năm ấy. Sau 5 lần phẫu thuật, giờ đây những mảnh đạn vẫn còn găm khắp cơ thể. 

Trở về quê, người lính Mai Trọng Bái mang tỷ lệ thương tật 100%. Năm 1984, đến khi vợ qua đời, cụ được đưa vào Trung tâm để chăm sóc và điều trị.

“Một ngày tôi không thể thiếu thuốc được. Di chứng của chiến tranh khiến tôi mắc rất nhiều bệnh. Mắt phải còn nhưng không nhìn rõ, tai điếc, tim mạch, huyết áp, xương khớp đau quanh năm. Không có nơi này chắc tôi đã chết rồi. Các y bác sĩ ở đây họ chăm sóc chúng tôi như người thân ruột thịt” – cụ Bái xúc động.

Chuyện cảm động ở Trung tâm điều dưỡng người có công - 2

Những mảnh đời ở Trung tâm không những được chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, họ còn được chia sẻ những nỗi niềm.

Dù đã bỏ lại chiến trường một phần cơ thể, mắt đã mờ, tai không còn nghe rõ nhưng đối với cụ Bái, từng con đường, lối đi, từng giọng nói của cán bộ Trung tâm đã trở nên quen thuộc. Ở đây, được chăm sóc, sẻ chia, cụ thấy bình yên khi sống quãng đời còn lại trong căn nhà thứ 2 này.

Trong căn phòng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, bệnh binh Trần Thị Súy (quê xã Nga Trường, huyện Nga Sơn) cho biết, tháng 7/1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà Súy lên đường nhập ngũ và được phân công về Đoàn 296, Cục Hậu cần, Tổng cục Hậu cần. Vào đơn vị, bà được phân công chịu trách nhiệm nhiên liệu cho máy bay, xe tăng, tàu thủy… Công việc thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, bà bị nhiễm độc chì nặng. 

Tháng 1/1983, bà xuất ngũ trở về quê hương. Do di chứng chiến tranh, bà đã mất hoàn toàn khả năng làm mẹ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà không lập gia đình. Do sức khỏe yếu, tháng 12/1984, bà chuyển vào sống tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hóa.

“Ngày mới vào Trung tâm, tôi ốm yếu lắm, chỉ được hơn 30kg. Được sự chăm sóc, nuôi dưỡng của các y bác sĩ, điều dưỡng, đến nay tôi đã tăng cân, sức khỏe được cải thiện. Ở đây, các cán bộ chăm sóc rất chu đáo, tận tình. Mỗi lần vết thương tái phát, phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên, tôi luôn có sự đồng hành chăm sóc của các y bác sĩ trong Trung tâm…” - bà Súy kể lại.

Chuyện cảm động ở Trung tâm điều dưỡng người có công - 3

Với những người lính, Trung tâm chính là ngôi nhà thứ 2 suốt phần đời còn lại.

Dù không ra chiến trường nhưng mảnh đời của chị Lê Thị Phương cũng bất hạnh không kém. Chị là con gái của người lính nhiễm chất độc da cam. Di chứng của chiến tranh đã khiến chị được sinh ra trong tàn tật, chỉ có thể nằm co quắp một chỗ. Năm 2000 định mệnh, trong lúc không có người ở nhà, chị bị kẻ xấu đến xâm hại và sinh ra một cậu con trai. 10 năm trước, khi bố mẹ không còn, chị được Trung tâm đón về nuôi dưỡng. Chị bảo ở đây chị không những được cán bộ phục vụ từ miếng ăn, giấc ngủ mà còn được chia sẻ những nỗi niềm khiến chị quên đi những bất hạnh cuộc đời. Nếu không có nơi này không biết cuộc đời mẹ con chị sẽ ra sao.

“Làm việc bằng cả tình thương và trách nhiệm”

Bác sĩ Đỗ Đình Khương, Trưởng Khoa thương binh- bệnh binh tâm thần- Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hoá chia sẻ: “Bệnh nhân ở Khoa gần như không biết gì. Ngay cả việc tắm rửa, ăn uống, thậm chí các bác đi vệ sinh, cán bộ cũng phải giúp đỡ, xong thì dọn rửa… Có bác đang nửa đêm thì bệnh nặng phải chuyển tuyến trên, anh em lại lên đường. Chúng tôi làm việc bằng cả tình thương và trách nhiệm. Nếu không có tình thương, sự đồng cảm thì không thể làm được công việc này”.

Chuyện cảm động ở Trung tâm điều dưỡng người có công - 4

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa cho biết, hiện Trung tâm đang quản lý 236 người có công với cách mạng, trong đó có 41 thương binh, bệnh binh nặng có bệnh lý tổng hợp; 29 người là vợ liệt sỹ già cả cô đơn; 71 thương bệnh binh tâm thần mãn tính nặng; 90 nạn nhân nhiễm chất độc da cam... Tình hình thương tật, bệnh tật của các đối tượng chính sách đa dạng, phức tạp;  nhiều thương, bệnh binh bị tâm thần. Trung tâm thường xuyên có từ 9-13 nhân viên chăm sóc, phục vụ những thương binh, bệnh binh vết thương và bệnh tật, bệnh lý tái phát, phải đi các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương chữa bệnh.

“Thời gian tới, chúng tôi mong ngành chức năng hỗ trợ đầu tư thêm về cơ sở vật chất cho Trung tâm; quan tâm hơn nữa đến các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng nạn nhân chất độc da cam, thân nhân liệt sỹ già cả cô đơn, con liệt sĩ tật nguyền... Đó là nguồn cổ vũ, động viên để công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho tất cả các đối tượng trong Trung tâm ngày càng tốt hơn” - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hoá mong muốn.

Bình Minh