Nghệ An:
Chuyện 12 dân quân cảm tử đào, gánh bom
(Dân trí) - Gần tròn 50 năm - quá dài so với một vòng đời, vẫn luôn là minh chứng sinh động về tinh thần quả cảm của người dân Nghệ An trong hai cuộc kháng chiến giữ nước trường kỳ nửa sau thế kỷ 20.
Hiến tuổi xuân cho những tuyến xe ra tiền tuyến
Đó là vào buổi sáng sớm tháng 6 dương lịch năm 1968, ngôi nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị Kim Lý (SN 1932), vợ liệt sỹ, ở xã Nam Quang (nay là xóm 10, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, Nghệ An) được lãnh đạo xã Nam Quang chọn làm điểm xuất quân - tiễn đưa 2 tốp dân quân tình nguyện cảm tử vì đại nghĩa. Tốp thứ nhất gồm 6 cảm tử ra hiện trường đào bới quả bom nổ chậm 0,5 tấn. Tiếp đó, tốp thứ hai gồm 6 người khác cùng tốp thứ nhất khiêng gánh quả bom mang đi tiêu hủy.
Chuyện 12 dân quân xã Nam Quang tình nguyện cảm tử không là hý hữu nếu như nó không bị khuất lấp giữa biển đời. Tình cờ nó được phát lộ nhờ cuộc tái ngộ giữa 3 cảm tử quân diễn ra ngày 7/3/2017, cũng ngay tại ngôi nhà cấp 4 năm xưa của cụ Nguyễn Thị Kim Lý.
Gần 50 năm quá vãng, chỉ với nguồn tư liệu dựa vào trí nhớ đã “xuống cấp” theo tuổi tác của 3 cảm tử quân có mặt tại buổi “Lễ tế sống” hôm ấy. Trong đó nguồn tư liệu thành văn duy nhất là bức ảnh 6 cảm tử quân đang cởi trần, quần đùi, vây quanh quả bom nổ chậm vừa được lôi lên khỏi mái đê, chuẩn bị khiêng đi tiêu hủy.
Với nguồn tư liệu quý giá như vậy, người chấp bút chuyện này không dám kỳ vọng tái hiện một cách đủ đầy hành động cao cả của 12 dân quân cảm tử lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí truyền thông.
Công năng chính của tuyến đê tả Lam (cư dân gọi nôm na là đê 42) là ngăn thoát lũ cho vùng dân cư phía hạ lưu dòng Lam thuộc các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thành phố Vinh và Nghi Lộc. Trong 9 năm giáng trả cuộc chiến phá hoại của không quân hải quân Mỹ, hệ thống đường bộ trên đất Nghệ An ngày đêm bị máy bay tàu chiến Mỹ oanh tạc, tuyến đê 42 đêm đêm hóa thành đường bộ, thành điểm tập kết, trung chuyển những đoàn quân, đoàn xe vào Nam. Tuyến đê 42 là một gam màu trong bức tranh “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến” của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20.
Trong năm 1968 riêng đoạn đê qua xã Nam Quang, huyện Nam Đàn phải gồng mình chịu nhiều trận oanh tạc bom đạn của giặc Mỹ. Khu vực đê găm đầy bom nổ chậm, những quả nằm xa chân đê được công binh và dân quân rà phá kích nổ. Những quả trên mặt đê và thân đê phải cần lực lượng cảm tử tay đào vai khiêng ra xa chân đê 200-300m tiến hành kích nổ.
Bảo vệ tốt tuyến đê chẳng những an toàn môi trường sống cho hàng vạn người dân các xã trong ngoài đê, mà còn góp phần nối liền mạch máu giao thông, hoàn thành mục tiêu chiến lược chi viện cho các chiến trường.
Vợ liệt sỹ tình nguyện cảm tử
Bà Nguyễn Thị Kim Lý (SN 1932, chồng là ông Nguyễn Đình Xuyến (SN 1936) người cùng làng. Năm 1958, ông Xuyến nhập ngũ, bấy giờ bà Lý đang bụng mang dạ chửa, năm 1959 bà sinh con Nguyễn Thị Thanh, một mình bà vừa nuôi con vừa chăm nuôi bố mẹ chồng.
Năm 1963, ông Xuyến cùng đơn vị chuẩn bị vào Nam chiến đấu, bà Lý mang bé Thanh 4 tuổi vào Quảng Bình - nơi đơn vị ông Xuyến an dưỡng để bố con gặp nhau. Bà Lý trở về cuốc cày, nuôi con, nuôi bố mẹ chồng, nuôi hy vọng ông Xuyến trở về đoàn tụ.
Nhưng nỗi đau ập đến, trận chiến ngày 13/7/1966 tại đèo Đắc Dong, tỉnh Bình Định - Đại đội phó Nguyễn Đình Xuyến hy sinh. Bấy giờ mẹ chồng đang bị liệt nằm một chỗ, nếu để lộ tin ông Xuyến hy sinh thì cụ càng trọng bệnh, bà Lý đành nuốt nước mắt vào tim. Chính quyền xã làm lễ truy điệu, bạn bè đến nhà chia buồn cũng phải kín đáo không để hai cụ biết. Nỗi đau đời nào dễ nguôi ngoai, bà Lý một mình một bóng ôm nỗi đau tìm chỗ vắng để nước mắt xối ngược vào tim mình.
Bà gửi con cho bố mẹ chồng rồi lao như thiêu thân vào công việc, bà nhận làm mọi việc của Hợp tác xã nông nghiệp, dân làng thấy bà như con thoi vừa ở ruộng trên loáng đã gặp tại cánh đồng dưới. Đạn bom càng ngày càng khốc liệt, bà cùng dân quân ngày đêm đào hầm đắp lũy, đến tận hiện trường kiểm tra, đánh dấu, làm rào chắn những quả bom chưa nổ; giúp nấu cơm đón, tiễn các đơn vị bộ đội hành quân qua làng.
Bà nhớ không chính xác là ngày nào, chỉ nhớ là tháng 6 dương lịch năm 1968, tại ngôi nhà cấp 4 này, bấy giờ bé Thanh 9 tuổi đã chứng kiến mẹ cùng các dân quân tình nguyện cảm tử, ra hiện trường đào bới, khiêng bom. Biết tin bà Lý tình nguyện cảm tử, một người làng gặng hỏi: Mi gan rứa, chồng mới hy sinh, con còn nhỏ mà dám xung phong vô chỗ chết?
Bà lặng lặng giả bộ như không nghe. Dân làng lo cho bà là phải thôi. Chẳng đâu như ở quê mình nước mình, người trần mắt thịt mà khiêng gánh trên vai cái thứ sắt thép giết người hàng loạt ấy. Cũng như mọi người, bà biết, dấn thân vào là dễ bị thịt nát xương tan, nhưng để “hắn” không kịp giết hàng loạt người của mình thì mình phải chủ động, sẵn sàng cảm tử để chôn “hắn” trước .
Bài 2: Buổi chia tay buồn của những cảm tử không trở về
Giao Hưởng