1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

“Chúng tôi ra khơi là bảo vệ chủ quyền biển đảo”

(Dân trí) - Những ngày qua, bất chấp việc 32 tàu cá của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm lãnh hải, khai thác thủy sản trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngư dân các dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên vẫn vững tin bám biển ra khơi đánh bắt.

Vững tin bám biển

Tại Bình Định có khoảng khoảng 7.300 tàu cá, trong đó có khoảng 2.500 tàu cá đánh bắt xa bờ. Ghi nhận của PV Dân trí tại Cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, Bình Định), hàng ngày vẫn có hàng chục tàu cá đánh bắt của ngư dân trong tỉnh tấp nập ra vào cập cảng đem lộc từ biển về.

Theo những ngư dân đi đánh bắt xa bờ ngoài đảo Trường Sa, Hoàng Sa, họ cũng thường xuyên gặp tàu Trung Quốc đánh bắt ở khu vực biển của ta.

Ngư dân Bình Định vẫn vững tin bám biển
Ngư dân Bình Định vẫn vững tin bám biển

Tàu vừa cập cảng, thuyền trưởng Phạm Thanh Phương (ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), chủ tàu BĐ 96887, cho biết: “Chúng tôi cũng thường xuyên bắt gặp tàu của Trung Quốc đánh bắt ở vùng biển của ta. Trong chuyến đi biển tháng trước, các anh em trên tàu bắt gặp 3 – 4 tàu Trung Quốc đang đánh bắt ở vĩ độ 10 – 113. Khi thấy tàu Trung Quốc thì mình phải đi nơi khác đánh bắt vì tàu cá của TQ lớn gấp 3 lần tàu của mình, hệ thống đèn điện cả trăm bóng sáng rực cả một góc trời, nếu ở đó cá sẽ về lưới họ hết; chứ anh em tụi tui chẳng sợ gì họ. Biển ta, ta cứ đánh bắt thôi…”.

Ngư dân Lê Hồng Hải (41 tuổi, ở huyện Hoài Nhơn) chia sẻ: “Chúng tôi có nghe đài báo nghe tin tàu Trung Quốc qua vùng biển Trường Sa mình đánh bắt nhưng không rõ sự tình như thế nào nhưng lâu lâu, anh em cũng gặp tàu của Trung Quốc vào vùng biển mình đánh bắt. Mình không sợ họ nhưng mong cũng Nhà nước cần có biện pháp mạnh không để tàu của ngư dân họ không vào vùng biển của mình đánh bắt vì sẽ ảnh đến sản lượng đánh bắt của ngư dân mình”.

Theo bà Mai Kim Thi – Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo về nguồn lợi thủy sản Bình Định: “Ngư dân vẫn ra khơi đánh bắt bình thường chứ không có vấn đề gì. Để đảm bảo cho ngư dân ra khơi đánh bắt được an toàn, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn trực tiếp cho các chủ tàu cá, ngư dân khai thác, đánh bắt xa bờ trong vùng lãnh hải của mình không xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Bên cạnh đó trang bị đầy đủ cho ngư nhân những phương tiện kỹ thuật cơ bản để ra khơi đánh bắt…”.

Còn tại tỉnh Phú Yên, ghi nhận tại cảng cá Tuy Hòa (TP Tuy Hòa), hàng trăm tàu thuyền của ngư dân vẫn tấp nập ra khơi đánh bắt. Mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu đi câu cá ngừ đại dương xuất bến từ cảng cá phường 6 để đi đánh bắt tại vùng biển Trường Sa và thềm lục địa phía Nam.

Chuẩn bị cho chuyến ra khơi xa đánh bắt cá ngừ đại dương ngư dân Nguyễn Thanh Hiệp (chủ đầu tư kiêm thuyền trưởng tàu PY90936) hùng hồn khẳng định: “Anh em tụi tôi chẳng ngại gì đâu. Không chỉ vì cái nghề mưu sinh mà chúng tôi ra khơi là để bảo vệ biển đảo của chúng ta”.

Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa) - chia sẻ: “Anh em làm nghề câu cá ngừ đại dương vẫn ra khơi bình thường. Biển ta thì ta cứ đánh bắt chứ sợ gì. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi lo lắng là giá cả cá ngừ đại dương đang rớt giá, trong khi sản lượng không đạt khiến ngư dân gặp khó khăn”.

Thành lập tổ, đội đoàn kết trên biển

Đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã thành lập theo được gần 100 tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển, với 398 tàu thuyền tham gia, tập trung chủ yếu vào nghề chính như: câu cá ngừ đại dương, vây rút chì, lưới rê, câu mực…

Nhờ vậy, việc thành lập các tổ, đội đoàn kết đã tạo nên những đội tàu cá mạnh vươn khơi khai thác thủy sản ở cá ngư trường như: Trường Sa, Hoàng Sa, DK1, Vinh Thái LanĐó không chỉ giúp ngư dân khai thác thủy sản hiệu quả mà còn góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Biển ta, ta cứ đánh bắt chẳng sợ gì cả
Biển ta, ta cứ đánh bắt chẳng sợ gì cả

Suốt mấy chục năm gắn bó với biển cả xem biển như nhà, lão kình ngư Nguyễn Văn Ái (64 tuổi, ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định), tâm sự: Với tôi biển Đông là nhà, biển đã cho mình nhiều thứ, mình phải có trách nhiệm giữ gìn lãnh hải quốc gia như giữ ngôi nhà của mình. trên bờ đoàn kết một thì ngoài biển đoàn kết 10. Nhiều ngư dân địa phương đã thành lập nhóm, hoặc tổ đội đoàn kết khai thác hải sản để hỗ trợ như khi một thuyền đánh bắt gặp luồng cá lớn mình có thể kêu gọi tàu gần đó để chia sẻ hay là khi gặp những rủi ro trên biển. Riêng tổ đội của tôi có 12 tàu cá công suất lớn của 9 hộ gia đình. Nhất là từ khi thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 48 của Chính phủ, ai cũng phấn khởi, bám biển nhiều hơn, vừa đánh bắt, vừa bảo vệ biển đảo quê hương”.

Ông Ái nói thêm: “Nhiều lần, tàu nước ngoài thấy tàu cá mình nhiều, mình đoàn kết, họ không dám xâm phạm lãnh hải. Có thời điểm chúng tôi phát hiện một tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam ở khu vực quần đảo Trường Sa, tôi nhổ neo tàu 900 CV và huy động thêm một số tàu cá khác rượt đuổi. Thấy mình đoạn kết nên chúng cũng sợ tháo chạy. Nói như vậy để biết ngư dân mình rất đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao đối với việc bảo vệ, giữ gìn biển đảo quê hương”.  

Mai Kim Thi nói: “Việc thành lập các tổ đội khai thác thủy sản đã giúp cho ngư dân phối hợp với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả khai thác và hỗ trợ nhau trong phòng chống thiên tai, tai nạn rủi ro trên biển”.

Doãn Công