"Chúng tôi ngửi mùi hôi 24 năm là quá đủ rồi!"
(Dân trí) - Sáng 21/10, hàng trăm người dân Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã tập trung trên đường Hoàng Văn Thái chặn xe chở rác vào bãi rác Khánh Sơn vì bức xúc tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây.
Đề nghị di dời bãi rác
Anh Nguyễn Đức Hùng (trú tổ 156, Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam) cho biết, người dân ở đây đã hơn 20 năm sống chung với ô nhiễm. Năm 2006, người dân có chặn xe để phản đối tình trạng ô nhiễm và sau đó tình trạng đã được cải thiện. Nhưng bây giờ tình trạng hôi thối, ô nhiễm lại xảy ra.
5 công ty ở đây (các công ty xử lý rác thải, rút hầm cầu) liên tục thải ra mùi hôi thối. Công ty này đổ lỗi cho công ty kia, không ai chịu nhận. Sau đó người dân có yêu cầu 5 công ty này cam kết không được thải ô nhiễm ra môi trường. Cả 5 đơn vị đều cam kết cả nhưng được 10 ngày sau, đâu lại vào đó.
“Dân chúng tôi bức xúc quá vì chịu không nổi hôi thối. Chính quyền cũng hứa với dân nhiều lần rồi nhưng vẫn cứ hôi. Bây giờ, dân chúng tôi đề nghị chính quyền di dời bãi rác đi nơi khác. Chỉ có cách đó mới hết hôi được", anh Hùng bức xúc.
Chị Nguyễn Thị Đa (trú tổ 157, Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam) cũng bức xúc cho biết: “Dân chúng tôi ngửi mùi hôi 24 năm rồi, đã quá đủ rồi. Đề nghị chính quyền địa phương di dời bãi rác đi nơi khác. Sao cái gì cũng đưa về Khánh Sơn để dân chúng tôi ở đây hứng chịu hết vậy”.
Chị Đa cũng nêu ý kiến, nếu không di dời được bãi rác thì giải tỏa khu dân cư Khánh Sơn để làm bãi rác luôn.
Theo các hộ dân ở đây cho biết, tình trạng hôi thối diễn ra cả ngày lẫn đêm, nhiều lúc muốn nôn mửa, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
Lập đoàn giám sát các công ty
Sau khi người dân chặn xe rác, lãnh đạo Sở Tài Nguyên – Môi trường, quận Liên Chiểu và phường Hòa Khánh Nam đã có mặt tại hiện trường để xử lý vụ việc.
Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: "Sau khi nghe thông tin người dân chặn xe môi trường để phản đối mùi hôi ở bãi rác Khánh Sơn, tôi có báo cáo với Chủ tịch UBND thành phố. Chủ tịch thành phố có giao anh Điểu (ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường), tôi và anh Hưng (ông Đàm Quang Hưng, phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu) làm việc với bà con.
Trước hết là chia sẻ với bà con, những người nhặt rác ở bãi rác Khánh Sơn và những người dân sống gần bãi rác Khánh Sơn. Thời gian qua, thành phố cũng đã có nhiều giải pháp, nhiều quan tâm đến dân của chúng ta nhưng nói thực ra là không bù đắp được việc ảnh hưởng môi trường như thế này.
Việc chuyển nhà máy, bãi rác đi nơi khác quận đã kiến nghị với thành phố từ lâu chứ không phải hôm nay bà con mới nói. Và thành phố cũng đang tính đến phương án tối ưu nhất. Thành phố đang tính toán đến một phương án khả thi là chuyển nhà máy hay là làm nhà máy xử lý rác thải mà nhà máy đó nó phải xử lý tốt hơn. Và việc di dời nhà máy là vượt tầm của quận, phải do thành phố quyết định. Thành phố ở đây là thành ủy, hội đồng nhân dân mới quyết định được. Vấn đề này không còn ở cấp quận của chúng ta nữa. Vì mức đầu tư xử lý hệ thống rác như thế này ở quận vừa không đủ khả năng vừa không đủ thẩm quyền. Quận xin ghi nhận ý kiến của bà con và sẽ báo cáo với Chủ tịch thành phố”.
Ông Thị cũng cho biết, 10 năm nay người dân không chặn xe rác mà bây giờ lại chặn xe là việc không bình thường. Vì thế ông Thị đề nghị ông Nguyễn Điểu giám sát 5 nhà máy này.
“Đề nghị anh Điểu thành lập ngay một đoàn công tác giám sát, kiểm tra ngay 5 nhà máy này. Và đề nghị dân Khánh Sơn cử 3 người dân cùng tham gia vào đoàn giám sát. Công ty nào làm đúng thì cho hoạt động, còn công ty nào làm không đúng thì sẽ xử lý. Và trong chiều 21/10 bắt đầu đi kiểm tra”, ông Thị kết luận.
Khánh Hồng