Chung tay đưa sếu về Tràm Chim
(Dân trí) - Tràm Chim (Đồng Tháp) là đồng cỏ ngập nước theo mùa duy nhất còn lại ở Việt Nam. Nhiều tổ chức bảo tồn động vật quốc tế đang chung tay cùng tỉnh Đồng Tháp khôi phục đàn sếu đầu đỏ quý hiếm tại đây.
Ngày 12/12, UBND tỉnh Đồng Tháp công bố đề án "Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032". Tại buổi lễ, nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng địa phương để đưa sếu về Tràm Chim.
Tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Dự kiến trong 10 năm triển khai đề án sẽ có 60 cá thể sếu được đưa từ Thái Lan về Tràm Chim. Trong giai đoạn này kỳ vọng sẽ có 40 cá thể sếu được sinh ra tại vườn.
Với nhiều biện pháp, đàn sếu được phục hồi sẽ ở lại quanh năm tại Tràm Chim mà không di chuyển theo mùa như từ trước đến nay.
Đề án bảo tồn sếu cũng đặt mục tiêu khôi phục sinh cảnh Đồng Tháp Mười nguyên thủy tại khu bảo tồn, đồng thời tạo sinh kế mới, cải thiện đời sống cho người dân khu vực.
UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, với các mục tiêu nhân văn và hướng tới thiên nhiên, đề án bảo tồn sếu nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay các doanh nghiệp đã hứa hẹn hỗ trợ hơn 36 tỷ đồng cho đề án.
Tại sự kiện công bố đề án bảo tồn sếu, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), Hội Sếu quốc tế, Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan; Hiệp hội Vườn thú Việt Nam; Vườn thú Korat…. cũng bày tỏ quan tâm và cam kết đồng hành, hỗ trợ Đồng Tháp thực hiện thành công đề án.
Tiến sĩ Trần Triết, chuyên gia có 30 năm tham gia bảo tồn sếu quốc tế cho biết, sếu đầu đỏ là loài chim cao nhất trên thế giới có khả năng bay, chim có thể cao đến 1,8m. Sếu sống chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á lục địa. Do điều kiện sống thay đổi nên số lượng cá thể đang suy giảm, được Sách Đỏ quốc tế xếp vào nhóm động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Triết nhận định, Tràm Chim là vùng duy nhất có sinh cảnh đồng cỏ ngập nước theo mùa mang đặc trưng Đồng Tháp Mười còn tồn tại ở Việt Nam, phù hợp cho sếu đầu đỏ sinh sống. Bảo tồn được khu vực này không chỉ có ý nghĩa với riêng Việt Nam mà nơi đây sẽ thành điểm dừng chân của các loài chim di cư quốc tế.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định, sự hiện diện của sếu là chỉ thị nhận biết môi trường sống lành mạnh và đa dạng sinh học được bảo tồn bền vững. Bảo tồn sếu đầu đỏ không chỉ là bảo vệ một loài chim quý hiếm mà còn là bảo vệ môi trường sống.
Ông Trị cho biết, Bộ NN&PTNT cam kết phối hợp chặt chẽ với Đồng Tháp, các nhà khoa học, cộng đồng quốc tế và toàn thể người dân để thực hiện thành công các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững loài chim quý hiếm này.
Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, có diện tích 7.313 ha. Hệ sinh thái khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học rất cao, với hệ thực vật 130 loài, 130 loài thủy sản nước ngọt, là nơi trú ngụ của 231 loài chim.
Đặc biệt, Tràm Chim trước đây là nơi sếu đầu đỏ tìm về nhiều nhất Việt Nam, có thời điểm lên đến hàng ngàn con. Tuy nhiên do sinh cảnh thay đổi, những năm gần đây sếu không quay lại nơi này.
Sau nhiều năm được tỉnh Đồng Tháp nỗ lực cải tạo, hiện sinh cảnh Tràm Chim dần phục hồi theo đúng bản chất. Đến nay, đề án bảo tồn sếu đã triển khai nhiều hạng mục như xây dựng khu nhà nuôi sếu, cải tạo bãi ăn cho sếu, cải tạo nông nghiệp vùng đệm khu bảo tồn...