Phó Bí thư thường trực tỉnh Quảng Bình - Trần Công Thuật

“Chúng ta vừa cần tôm cá vừa cần thép, nhưng có cần Formosa 70 năm?”

(Dân trí) - “Đúng là, chúng ta vừa cần tôm cá vừa cần thép, nhưng có cần Formosa đến 70 năm không - một quả bom môi trường nằm sát kề khiến ai cũng lo lắng”, đại biểu Trần Công Thuận – Phó Bí thư thường trực tỉnh Quảng Bình nói.

Ngày 29/7, phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Công Thuật – Phó Bí thư thường trực tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm đến sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung thời gian qua đã tác động lớn đến đời sống người dân. Theo đại biểu Thuật, đất nước có bộ máy quản lý tổ chức chặt chẽ từ địa phương đến các cấp nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra khắp nơi, điển hình là sự cố môi trường biển do công ty Formosa gây ra ảnh hưởng xấu và tác động lớn đến đời sống nhân dân, đến an ninh, trật tự xã hội, đến lòng tin của người dân.

Đại biểu Trần Công Thuật cho rằng, ảnh hưởng sự cố môi trường đến Quảng Bình rất nặng nề và hết sức nghiêm trọng, nó kéo lùi sự phát triển của tỉnh, kể cả về kinh tế, xã hội an ninh trật tự bất ổn định và làm giảm lòng tin của nhân dân. Sự cố này làm cho nền kinh tế Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên. Bà con Quảng Bình rất bức xúc, phẫn nộ lên án hành động gây ra sự cố môi trường vừa rồi của Formosa.

Ông Trần Công Thuật cho biết, sự cố Formosa kéo lùi sự phát triển của Quảng Bình
Ông Trần Công Thuật cho biết, sự cố Formosa kéo lùi sự phát triển của Quảng Bình

Nhân dân và cử tri Quảng Bình đề nghị sớm thực hiện chính sách hỗ trợ người dân trong vùng bị thiệt hại và khu vực liên quan. Theo ông Thuật, hiện nay một số chính sách này vẫn chưa đến được với địa phương và người dân. Nhân dân và cử tri Quảng Bình cũng mong muốn sớm được giải quyết những khó khăn về việc làm, về thu nhập, ổn định đời sống lâu dài một cách căn cơ để cho nhân dân an tâm.

Đại biểu Trần Công Thuật cũng đề nghị công khai, minh bạch cái gì nhân dân được đền bù, cái gì là Nhà nước đầu tư để khắc phục sự cố vừa qua. Ngoài ra, bà con cử tri rất quan tâm đến việc làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố môi trường biển vừa qua, coi đây là bài học lớn, sâu sắc trong lĩnh vực đầu tư, ứng phó các sự cố môi trường trong hoạt động kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững.

“Khi nhân dân cho rằng đây là sự cố rất nghiêm trọng và lo lắng thì một số đồng chí lãnh đạo, cơ quan chức năng phát biểu, trả lời thiếu khoa học, mơ hồ, cảm tính, không chính xác và thiếu thuyết phục khiến cho tình trạng càng phức tạp hơn”, đại biểu Trần Công Thuật nói.

Tại hội trường, đại biểu Trần Công Thuật còn chỉ rõ những sai phạm của Formosa trong việc chôn lấp chất thải bừa bãi, đặt ống xả trái phép đã đẩy sự cố này đến mức độ nguy hại hơn. Theo đại biểu, cần sớm xử lý một cách cương quyết đối với những hành vi này.

“Không biết ảnh hưởng của hành vi này còn kéo dài bao nhiêu lâu nữa? Nhân dân và cử tri Quảng Bình mong muốn các cơ quan chức năng ở Trung ương làm rõ và trả lời rõ khi nào thì đánh cá vùng gần bờ được; khi nào thì yên tâm ăn hải sản được; khi nào thì môi trường biển an toàn. Đúng là, chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép nhưng có cần Formosa đến 70 năm không - một quả bom môi trường nằm sát kề khiến ai cũng lo lắng”, đại biểu đề nghị cơ quan chức năng làm rõ những câu hỏi mà cử tri băn khoăn.

Ngoài ra, đại biểu Trần Công Thuật còn đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ trong báo cáo Formosa là ai, là cái gì? Tập đoàn thép Trung Quốc, Đài Loan này là ai, cổ đông nào có cổ phần chi phối tập đoàn này để nhân dân biết, yên tâm hơn.

“Trong báo cáo có câu “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”, hiểu như thế nào trong trường hợp Formosa ? Bà con Quảng Bình đề nghị Chính phủ thay câu khác phù hợp hơn. Đây là đạo lý của người Việt Nam nhưng không thể lạm dụng lòng tốt này của người Việt Nam trong sự việc này được”, đại biểu Trần Công Thuật nói.

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, vấn đề quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế. Quy định về tiêu chuẩn môi trường còn bất cập, chậm được hoàn thiện; thực thi pháp luật về môi trường chưa nghiêm; đánh giá tác động môi trường khi cấp phép dự án đầu tư còn hình thức, giám sát thực hiện còn nhiều yếu kém; phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời; đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng do Dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Sự cố môi trường ở ven biển 4 tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường. Sự cố môi trường biển còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch, dịch vụ ở 4 tỉnh miền Trung. Chính vì vậy, thời gian tới Chính phủ sẽ đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp, nhất là chính quyền địa phương trong thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiên quyết không cho phép các dự án không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường được hoạt động. Kịp thời bồi thường thiệt hại cho người dân và khắc phục hậu quả sự cố môi trường tại ven biển 04 tỉnh miền Trung.

Nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, được ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế trình bày trước Quốc hội cũng chỉ rõ sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng biển các tỉnh duyên hải miền Trung, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất nhiệm vụ cần tập trung trong những tháng cuối năm là phải có giải pháp phục hồi môi trường bị ô nhiễm, hỗ trợ kịp thời và giám sát để doanh nghiệp, người dân khôi phục đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ thủy sản, hải sản, chuyển đổi nghề nghiệp ở các tỉnh miền Trung và hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố hải sản chết bất thường.

Rà soát, kiểm tra các nguồn thải vào các lưu vực sông, quản lý, kiểm soát chặt chẽ môi trường sông, biển; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các quy chuẩn về môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế.

Quang Phong