1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Chúng ta không “đạt chuẩn” quyền trẻ em trong ngày một, ngày hai”

(Dân trí) - “Chúng ta nói Công ước quyền trẻ em là một văn bản có tính pháp lý quốc tế lý tưởng, đòi hỏi phải kiên trì phấn đấu, không thể tham vọng rằng mình sẽ đạt tới độ chuẩn mực ấy trong ngày một, ngày hai...”.

Nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tiến sỹ Trần Thị Thanh Thanh - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc & Bảo vệ trẻ em Việt Nam - trò chuyện với PV Dân trí về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em hiện nay.

 

“Chúng ta không “đạt chuẩn” quyền trẻ em trong ngày một, ngày hai” - 1

Tiến sỹ Trần Thị Thanh Thanh (hàng trên cùng, áo tím) thăm hỏi trẻ em miền núi.

 

Không nhìn những con số để bằng lòng thỏa mãn

 

Việt Nam là một trong số những nước đầu tiên ký Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em (năm 1990). Theo bà, trẻ em Việt Nam đã được thực hiện quyền đó như thế nào?

 

Sau gần 20 năm phê chuẩn và thực hiện Công ước, chúng ta đã có bước tiến khà dài về nhận thức lẫn hành động và đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện các nhóm quyền của trẻ em. Trước đây nhiều người chưa hiểu và còn ngại ngùng khi nói đến việc trẻ em có “các quyền” nhưng bây giờ vấn đề quyền trẻ em đã được quy định trong Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; trong các văn bản pháp quy và được xã hội, gia đình thừa nhận một cách tự nhiên…

 

Công tác bảo vệ trẻ em không còn chỉ là phong trào, vận động quần chúng mà đã trở thành một bộ phận trong kế hoạch kinh tế xã hội của nhà nước. Có cả hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước liên kết với các lực lượng xã hội để chăm lo cho trẻ em. Trước kia là Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em; sau đó là Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em và nay là do Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội quản lý. Không phải nước nào cũng có được hệ thống tổ chức như thế.

 

Thưa bà, trước đây đã từng là Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - một cơ quan tương đương cấp Bộ; sau lần sáp nhập là Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em - cũng là một cơ quan cấp Bộ, trực thuộc Chính phủ. Để bây giờ, sau lần chia tách lại chỉ còn là một Cục thuộc Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Vì sao lại có sự “đi xuống” như thế?

 

Vấn đề này hãy hỏi Quốc hội, Chính phủ thì đúng hơn. Theo tôi đây là yêu cầu của cải cách hành chính. Mặc dù trong Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội có một Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ, làm chức năng quản lý Nhà nước về trẻ em. Tuy nhiên cần thấy rằng vấn đề trẻ em không phải chỉ có Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thực hiện mà nhiều Vụ, Cục khác trong Bộ cũng có trách nhiệm, như Vụ Kế hoạch, Vụ Tổ chức, Vụ Quan hệ quốc tế, Vụ Pháp chế, Vụ Thanh tra; Cục Bảo trợ xã hội…

 

Mặt khác có thể có thuận lợi hơn vì Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội có chức năng chăm lo các chính sách xã hội mà trẻ em cũng là đối tượng cần đặt biệt quan tâm. Như vậy dùng từ “đi xuống” e rằng chưa chính xác.

 

Trở lại vấn đề thành tựu, với góc độ một nhà khoa học nhiều năm gắn bó với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em, theo bà, đâu là những đóng góp điển hình nhất?

 

Theo tôi, thành tựu nổi bật nhất là chúng ta đã loại trừ được một số bệnh nguy hiểm của trẻ em như bệnh tiêu chảy, bạch hầu, bại liệt, ho gà, uốn ván, thiếu vi chất... và hầu hết trẻ em trên 5 tuổi đều được đi học mẫu giáo và có điều kiện để phổ cập tiểu học, trung học cơ sở.     

 

Thưa tiến sỹ, là người làm khoa học, bà hẳn biết những con số nói lên rất nhiều điều và đằng sau những con số cũng tiềm ẩn rất nhiều điều...?

 

Đương nhiên không nên nhìn qua con số để thỏa mãn bằng lòng với mình, bởi vì các con số chưa nói hết được những mong muốn về chất lượng, về tinh thần, đạo đức, xã hội… Mặt khác có những con số rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa đối với những người làm chính sách, quản lý về trẻ em.

 

Ví dụ: Trong khi tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở rất cao: từ 80 đến 95% nhưng như vậy còn 5% chưa tốt nghiệp, hoặc 2-3% trẻ bỏ học giữa chừng đó là ai? ở đâu? hoàn cảnh thế nào? Cứ mỗi năm 2-3% vậy trong 10 năm con số đó sẽ là bao nhiêu? Tỷ lệ đó thường rơi vào trẻ em khuyết tật, nhà ngèo, trẻ em khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đời sống còn rất nhiều khó khăn; nhà ở xa, bố mẹ bị ốm đau hoặc nghiện hút, không có thu nhập... Tóm lại hầu hết trong số đó là những trẻ em có hoàn cảnh thiệt thòi hơn trẻ em khác, và rất có thể là những chính sách phúc lợi xã hội của nhà nước chưa đến được với các em. Vì vậy có những con số rất nhỏ nhưng không thể không quan tâm để có biện pháp giải quyết bởi vì khi phê chuẩn Công ước Quốc tế về trẻ em, chúng ta đã cam kết là bảo đảm cho mọi trẻ em đều được học tập, được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được hưởng các quyền cơ bản của mình.

 

Nghĩa là theo bà, việc tham gia Công ước là một cái gì đó quá lý tưởng?

 

Ở đây chúng ta nói Công ước quyền trẻ em là một văn bản có tính pháp lý quốc tế lý tưởng, đòi hỏi phải kiên trì phấn đấu, không thể tham vọng rằng mình sẽ đạt tới độ chuẩn mực ấy trong ngày một, ngày hai. Còn việc phê chuẩn, tham gia thực hiện Công ước là một việc tất yếu vì nó phù hợp với tư tưởng của Bác Hồ và đường lối của Đảng, Nhà nước ta đối với bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em. 

 

Dường như bà rất quan tâm và ưu ái tới trẻ em vùng sâu vùng xa, trẻ em nông thôn…?

 

Đúng vậy. Bởi đó là những trẻ em sống ở những nơi điều kiện canh tác, đi lại, điện, nước... rất khó khăn và thiên nhiên khắc nghiệt, thường xảy ra thiên tai. Vì vậy tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ bỏ học,… đều cao hơn trẻ em ở vùng đồng bằng và thành phố.

 

Tôi biết nhiều xã vẫn còn hơn 40% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, cứ 10 em thì có tới 4 em suy dinh dưỡng thể còi cọc, thấp bé nhẹ cân. Nhìn các bà mẹ 2-3 con mà như trẻ em 14, 15 tuổi.

 

Trước tình hình đó những ai có lương tâm đều xót xa và mong muốn được làm nhiều việc có ích hơn cho các em.

 

Nhiều chính sách nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao

 

Phải chăng chúng ta vẫn còn phân biệt đối xử, thiếu bình đẳng giữa trẻ em các vùng miền?

 

Về lý thuyết thì không có như vậy vì một trong những nguyên tắc của Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là mọi trẻ em đều bình đẳng như nhau, không phân biệt đối xử. Những năm vừa qua mặc dầu điều kiện kinh tế của nước ta còn hạn hẹp, nhưng Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và không ngừng tăng thêm nguồn lực cho các mục tiêu vì trẻ em. Thể hiện rõ rệt trong việc cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; xây dựng cơ sở trường, lớp; tăng thêm các chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhiễm chất độc da cam...

 

Tuy nhiên hiện nay còn nhiều đối tượng trẻ em khó khăn nhưng chưa có chính sách, như đối với trẻ em khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ. Có trẻ em thuộc diện chính sách nhưng vẫn chưa được hưởng vì còn vướng mắc do chưa có văn bản hướng dẫn, vì các thủ tục, giấy tờ chưa đủ; Có em đã được hưởng chính sách, nhưng chất lượng hàng hóa, thuốc men lại không bảo đảm… Do đó mà hiệu quả, chất lượng chưa cao.

 

Vì sao lại có chuyện đó, thưa bà?

 

Điều đó do nhiều nguyên nhân, cũng còn phải xem từng sự việc cụ thể. Nhưng thường liên quan dến nhiều yếu tố về nhận thức đối với vấn đề trẻ em, về ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn, tinh thần hợp tác và điều quan trọng là thiếu người chuyên trách về trẻ em.

 

Theo như đánh giá của ông Vũ Trùng Dương - Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em: “Trên thực tế việc thực hiện quyền trẻ em chưa được tốt. Trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang có chiều hướng gia tăng”. Bà nghĩ như thế nào về ý kiến này?

 

Đó là sự thật. Hiện nay theo thống kê, chúng ta có nhiều con số giảm xuống như tỷ lệ tử vong, tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ em lang thang kiếm sống... Nhưng cũng có những con số tăng lên, rõ nhất là trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS, trẻ làm trái pháp luật, các tội phạm xâm hại trẻ em...

 

Theo tôi tình hình đang có những diễn biến phức tạp, chúng ta không nên làm ngơ, xem nhẹ hoặc phó mặc cho cơ quan chức năng mà cần có sự quan tâm để giải quyết một cách hữu hiệu. Trước tiên là các cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em. Chúng ta cần xúc tiến nghiên cứu, đánh giá tình hình để có căn cứ khoa học, thực tiễn cho việc đưa ra các chủ trương biện pháp giải quyết tình hình có tính khả thi và bền vững.

 

Nói về hiệu quả, có ý kiến cho rằng trong lĩnh vực trẻ em lang thang cơ nhỡ, tuy rất được quan tâm nhưng trên thực tế thì chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Vì sao vậy, thưa bà?

 

Nếu nói như “bắt cóc bỏ đĩa” thì e rằng chưa chính xác. Vì Đề án giải quyết vấn đề trẻ em lang thang khá hợp lý và đồng bộ về biện pháp. Có sự phối hợp giữa trung ương với địa phương, cơ sở, có sự phối hợp giữa địa phương có trẻ em ra đi với địa phương có trẻ em đến; các biện pháp tương đối đồng bộ: truyền thông, giáo dục gắn với biện pháp hành chính, kinh tế... Và theo Bộ LĐ-TB&XH thì kết quả đã giảm rõ rệt số lượng lượng trẻ lang thang kiếm sống

 

Tuy nhiên sự quyết tâm chỉ đạo không đồng đều giữa các địa phương, có những tỉnh làm tốt như thành phố Đà Nẵng, Hà Nội, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hà Nam... nhưng cũng có những tỉnh chưa tích cực. Nhìn chung là chưa có sự chỉ đạo sát sao, đồng bộ thường xuyên từ trung ương đến cơ sở. Có nơi còn làm theo dự án, theo phong trào.

 

Thực tế chúng ta thiếu sự đồng bộ trong chỉ đạo?

 

Đúng vậy, ít ra thì đối với việc giải quyết các mục tiêu về bảo vệ trẻ em. Trước tiên là chúng ta chưa có được một chiến lược chung về bảo vệ trẻ em gắn liền với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, phát triển, giáo dục. Chúng ta đã có nhiều đề án cho từng lĩnh vực, từng đối tượng, nhưng thiếu một chiến lược với những mục tiêu rõ ràng, với phương pháp tiếp cận đồng bộ có hệ thống. Mặt khác theo tôi nếu không tìm tòi cách làm sáng tạo để thực sự phát huy cơ chế liên ngành đối với lĩnh vực trẻ em thì kết quả sẽ còn rời rạc.

 

Bà là một trong số những người đặt nền tảng xây dựng nên một tổ chức xã hội quan trọng là Ủy ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, bà có suy nghĩ và trăn trở gì về trẻ em hiện nay?

 

Những vấn đề trên cũng chính là những trăn trở của tôi. Vì vậy trong vai trò của Hội Bảo vệ quyền trẻ em, tôi cũng nguyện làm việc không mệt mỏi để góp phần giảỉ quyết những khó khăn, hạn chế trên cùng với Nhà nước và các tổ chức đoàn thể, xã hội.

 

Nhân ngày 1/6, bà muốn chia sẻ điều gì?

 

“Hãy chung tâm, chung trí, chung sức làm cho trẻ em Việt Nam ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn”, như câu khẩu hiệu hành động của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chúng tôi.

 

Xin cảm ơn bà!

 

Hà Vân (thực hiện)