Chung cư Xa La xảy cháy chưa được nghiệm thu về PCCC
(Dân trí) - Theo lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, tòa chung cư CT4 Xa La chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy. Chủ đầu tư tòa nhà này có biểu hiện chống đối trước các kiến nghị của lực lượng chức năng trong quyết định thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy.
Hơn 400 xe máy bị ảnh hưởng
Theo thông tin chính thức từ Sở Cảnh sát PC&CC Hà Nội về vụ cháy tầng hầm chung cư CT4A, CT4B Khu đô thị Xa La (phường Phúc La, Hà Đông), đơn vị này nhận được tin báo cháy đầu tiên từ một số điện thoại di động vào lúc 19h23 tối ngày 11/10. Ngay lập tức, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã điều động 2 xe chữa cháy và xe chuyên dụng thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 9 đến hiện trường, tổ chức chữa cháy.
Ghi nhận ban đầu của lực lượng cứu hỏa, khu vực cháy là 2 tầng hầm của tòa nhà 34 tầng, có tổng diện tính khoảng 4.600m2, diện tích cháy khoảng hơn 1.500m2; có nhiều phương tiện của người dân sống trên 2 tòa nhà là CT4A và CT4B, khói đen bao phủ toàn bộ tầng hầm.
Trước tình hình trên, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội tiếp tục điều động thêm 21 xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xe chuyên dùng, xe cứu thương cùng trên 200 cán bộ chiến sỹ tới hiện trường, phối hợp với các lực lượng khác tổ chức ứng cứu.
Tại hiện trường, khói đen bao trùm toàn bộ tòa nhà, người dân sinh sống trên các tầng có tâm lý hoảng loạn, điện chiếu sáng bị ngắt. Lực lượng cứu hỏa đã dùng loa truyên truyền, hướng dẫn thoát nạn, ổn định tâm lý cho người dân.
Đến 21h cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế. 23h23, công tác cứu nạn, cứu hộ cơ bản hoàn tất. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã trực tiếp cứu khoảng 200 người đến điểm sơ cấp cứu dã chiến để sơ cứu, kiểm tra sức khỏe.
Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng làm 10 người bị thương do nhiễm khói, trong đó có 3 chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC số 9 và 1 chiến sỹ của Phòng Cảnh sát PCCC số 8.
Thống kê tới tối ngày 12/10 cho thấy, có 35 chiếc xe máy bị hư hỏng hoàn toàn, 375 chiếc xe máy khác bị cháy một phần (nhiều xe vẫn có thể sửa chữa để sử dụng). Bên cạnh đó, 45 xe đạp và 1 ô tô bị ảnh hưởng nhiệt, bong tróc sơn…
Toàn bộ kết cấu tầng hầm của tòa nhà bị thiệt hại do nhiệt. Bước đầu xác định nguyên nhân là do chập điện xảy ra từ tầng hầm (nơi bố trí các tủ điện, các xe máy, xe ô tô), sau đó cháy lên các tầng. Trước khi đám cháy xảy ra người dân có nghe tiếng nổ to phát ra tại đây.
Trách nhiệm thuộc chủ đầu tư
Chiều 12/10, Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội - đã có cuộc trao đổi với báo chí xoay quanh vụ cháy xảy ra tại chung cư CT4A, CT4B Xa La, Hà Đông. Theo thông tin Đại tá Sơn cung cấp, hiện nay, trên toàn thành phố có 121 công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Trong đó, có 68 công trình không đảm bảo về kỹ thuật, thiết kế thi công hệ thống PCCC; 21 công trình không đảm bảo về giao thông, tiếp cận PCCC, an toàn về PCCC; 58 công trình không đảm bảo lối thoát nạn an toàn; 51 công trình không đảm bảo ngăn cháy lan…
Đối với tòa nhà CT4 Xa La (có 3 đơn nguyên A, B, C) thuộc doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội khẳng định, tòa nhà này mới có quyết định thẩm duyệt về PCCC nhưng chưa được nghiệm thu PCCC.
Theo đó, năm 2010, tòa nhà này đã được Phòng Cảnh sát PCCC (cũ) của CATP Hà Nội tổ chức thẩm duyệt, từ đó có những kiến nghị trong văn bản thẩm duyệt về PCCC. Cụ thể: tòa nhà này còn thiếu hệ thống hút khói của toàn bộ tòa nhà, thiếu hệ thống tăng áp cầu thang thoát nạn; cần bổ sung hệ thống báo cháy đối với các tầng.
Tuy nhiên, theo Đại tá Sơn, chủ đầu tư tòa nhà này không chấp hành nghiêm túc, có biểu hiện chống đối trước những kiến nghị của cơ quan PCCC.
“Việc tiếp thu những kiến nghị của cơ quan PCCC của đơn vị này không được tốt, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, thay vào đó chỉ tập trung vào việc bán căn hộ. Những kiến nghị chúng tôi đưa ra không được đơn vị này thực hiện nghiêm túc, có biểu hiện chống đối. ” - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC nhấn mạnh.
Nói về trách nhiệm khi xảy ra cháy nổ, Đại tá Sơn khẳng định, trách nhiệm đầu tiên là của chủ đầu tư, bởi luật PCCC quy định rất rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với công trình từ khi lập hồ sơ thiết kế cho đến quá trình thi công, kiểm tra, nghiệm thu.
Trước băn khoăn của dư luận về việc xe thang không thể vươn tới các tầng cao khi tòa nhà cao tầng xảy ra hỏa hoạn, Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho hay, xe thang vốn để phục vụ việc vận chuyển cán bộ làm công tác phun nước dập lửa ở các tầng cao, vận chuyển những đối tượng khó di chuyển.
“Thực tế, trên thế giới, không có nước nào dùng thang chữa cháy để cứu hộ, chỉ dùng cho chữa cháy là chính.” - Đại tá Sơn nói và cho biết thêm, các xe thang có kích thước và trọng lượng rất lớn, khó di chuyển, dễ gây lún nứt đường xá, công trình.
“Nếu phòng cháy tốt từ đầu thì chữa cháy đã dễ hơn nhiều. Cụ thể là thực hiện các quy định nghiêm túc từ đầu, các thang bộ đều thoát nạn, có điều áp, có hệ thống hút khói… thì người dân có thể yên tâm di chuyển từ tầng cao nhất xuống đất chỉ mất 10 phút, không bị ngạt khói.” - Đại tá Sơn chia sẻ.
Tiến Nguyên