1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chung cư cũ vẫn "khốn đốn" vì chờ quy chế

(Dân trí) - Rất nhiều chung cư cũ ở Hà Nội đang cần được cải tạo, xây dựng lại vẫn án binh bất động vì chưa có hành lang pháp lý. Đã qua hàng chục lần dự thảo, quy chế cải tạo, xây dựng chung cư cũ vẫn chưa được ban hành.

Xã hội hoá không phải là để hộ dân tham gia góp vốn

Theo dự thảo quy chế, nguyên tắc trong việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hỏng, xuống cấp trên địa bàn TP Hà Nội được tiến hành theo phương thức xã hội hoá. Thành phố khuyến khích và hỗ trợ kinh phí cho các tác lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư một số hạng mục công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Ưu tiên các chủ đầu tư có quỹ nhà tạm cư đảm bảo điều kiện cho các hộ gia đình, có phương án bố trí nhà tạm cư, tái định cư hợp lý...

Đáng chú ý là dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ chỉ được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận, đảm bảo hai phần ba (2/3) tổng số chủ sở hữu nhà ở hợp pháp trong phạm vi dự án (dân cư phải di dời và tái định cư) đồng tình với phương án di chuyển, tạm cư, tái định cư được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận, huyện phê duyệt thông qua văn bản có chữ ký của các hộ gia đình, được UBND phường, xã, thị trấn xác nhận.

Ở đây, việc có hay không cho phép người dân tham gia góp vốn để xây dựng dự án đã có những quan điểm khác nhau. Đại diện cơ quan Mặt trận Tổ quốc thì cho rằng: để triển khai việc xã hội hóa đầu tư, người dân được quyền tham gia bỏ tiền, góp vốn với chủ đầu tư để xây dựng dự án và cùng chia lợi.

Trong khi đó, lãnh đạo thành phố thì cảnh báo rằng, nếu để người dân tham gia góp vốn sẽ rất nhùng nhằng, phức tạp làm kéo dài thời gian triển khai dự án. Mà mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2015 phải hoàn tất việc cải tạo lại các chung cư cũ, nát, hư hỏng trên cả nước.

Đồng tình với ý kiến của lãnh đạo thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất cũng cho rằng: doanh nghiệp khi tham gia vào dự án đầu tư, phải ứng trước tiền vốn để xây dựng, đây chính là yếu tố xã hội hóa.

Còn người dân cũng đã được hưởng quyền lợi của mình. Đó là khi dự án hoàn thành, người dân được nhận lại diện tích tái định cư có hệ số gấp 1,3 diện tích cũ. Do vậy, xã hội hóa đầu tư không phải là để các hộ dân tham gia góp vốn vào.

Không bố trí nhu cầu ở mới thuộc khu vực hạn chế phát triển

Trong dự thảo Quy chế cũng quy định rõ về thiết kế, khi cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, nhất thiết phải có tầng hầm phục vụ nhu cầu đỗ xe. Diện tích tầng một sau cải tạo không bố trí để ở, ưu tiên bố trí sinh hoạt, hội họp của cộng đồng dân cư, phục vụ kinh doanh dịch vụ. Diện tích còn lại để bố trí cho các dịch vụ công cộng khác.

Diện tích ở được bố trí từ tầng 2 trở lên. Đối với các căn hộ dùng để tái định cư có diện tích tổi thiểu 30m2 sàn căn hộ. Đối với các căn hộ kinh doanh, diện tích sàn xây dựng của mỗi căn hộ không nhỏ hơn 45m2 và đảm bảo đầy đủ các không gian sử dụng.

Chủ đầu tư chủ động đề xuất tỉ lệ cơ cấu các căn hộ, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhiều đối tượng dân cư theo cơ chế thị trường. Cho phép dự án dành một tỷ lệ từ 5-10% số căn hộ có diện tích từ 30-45m2 sàn căn hộ để bán cho các hộ dần thuộc phạm vi dự án có nhu cầu diện tích ở thấp.

Căn cứ quy hoạch cải tạo được duyệt, các diện tích dôi dư tại các dự án thuộc khu vực hạn chế phát triển sau khi bố trí đủ nhu cầu tái định cư tại chỗ chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ văn phòng, không bố trí cho nhu cầu ở mới để hạn chế khả năng tập trung dân cư tại các khu vực này.

Các diện tích dôi dư tại các dự án không thuộc khu vực hạn chế phát triển, sau khi bố trí đủ nhu cầu tái định cư tại chỗ, chủ đầu tư được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các chủ đầu tư khi tham gia dự án, dự thảo Quy chế cũng đề xuất chế tài xử lý những trường hợp không triển khai dự án h iệu quả. Cụ thể là sau 12 tháng, kể từ ngày được giao nhiệm vụ, nếu chủ đầu tư không đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của thành phố, UBND thành phố sẽ thu hồi nhiệm vụ đã giao, không thanh toán các khoản kinh phí đã đầu tư và sẽ xem xét giao chủ đầu tư khác đủ năng lực tổ chức thực hiện.

Hà Nội hiện có 23 chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại. Trong đó, hai khu chung cư Kim Liên và Nguyễn Công Trứ đã được thí điểm cải tạo cũng gặp nhiều vướng mắc do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.

Các khu chung cư cũ còn lại cũng không thể chờ lâu thêm được nữa, như khu chung cư B6 ở Giảng Võ đã xuống cấp tới mức nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng con người. Các cơ quan chức năng của thành phố cần khẩn trương thông qua Quy chế cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai dự án xây dựng vì chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Lan Hương