1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hà Nội: Chung cư cũ nát và ô nhiễm

Có đến gần 10% dân số Hà Nội đang cư trú dài hạn trong môi trường sống thiếu vệ sinh tại những khu chung cư cũ.

Rác, ruồi, muỗi, chuột...

 

Điều kiện vệ sinh môi trường tại các khu chung cư cũ rất đáng lo ngại. Đó là kết luận từ cuộc khảo sát mới đây tại 10 khu chung cư đã xuống cấp trên địa bàn Hà Nội do Sở Tài nguyên - môi trường & nhà đất Hà Nội và Trung tâm Giáo dục - truyền thông môi trường thực hiện.

 

Tại các khu này, nguồn rác thải phát sinh đa dạng và tồn tại khắp mọi nơi trong mặt bằng khu chung cư. Tình trạng đổ rác bừa bãi thành đống không được thu gom kịp thời không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn là môi trường thuận tiện cho các bệnh truyền nhiễm phát triển.

 

Khảo sát tại các khu chung cư cũ như Trại Găng, Khương Thượng, Trung Tự... cho thấy nhiều loại côn trùng có khả năng truyền bệnh được phát hiện với tỉ lệ rất cao. Trong đó, ruồi chiếm 74%, muỗi gần 95%, chuột hơn 90%...

 

Theo đoàn khảo sát, tất cả những loài này đều có khả năng gây bệnh, lan truyền bệnh dịch thông qua điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo. Do vậy, người dân sống tại các khu chung cư cũ luôn bị đe dọa bởi các căn bệnh đường hô hấp, nhiễm trùng, đường ruột và ngộ độc thực phẩm...

 

Tại các khu này dân số tăng quá nhanh cũng tỉ lệ thuận với sự xuống cấp của các tòa nhà. Hiện nay tình trạng tường nhà ẩm thấp, nứt rạn rất phổ biến, cộng thêm bức xạ nhiệt lớn làm cho mùa hè thường nóng và oi bức nhưng mùa đông rất lạnh. Căn phòng bị che chắn nhiều cũng làm giảm lượng ánh sáng cần thiết.

 

Việc sử dụng bếp than, bếp gas, bếp dầu, bếp củi trong nhà và ngoài hành lang không được kiểm soát đã gây ô nhiễm không khí và tác động xấu đến sức khỏe của người dân.

 

Nước bẩn, kẹt đường

 

Do hạ tầng tại nhiều khu chung cư cũ như Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Quỳnh Mai... đã quá cũ nát, nhiều chỗ hỏng toàn bộ nên hệ thống thoát nước xuống cấp nghiêm trọng. Phần lớn các đường ống thoát nước lâu ngày bị rò rỉ, vỡ nứt.

 

Đã vậy, nhiều hộ dân còn cơi nới và xây công trình nằm đè lên hệ thống cống ngầm nên việc nạo vét thường xuyên là không thể thực hiện. Kết quả là hệ thống thoát nước có hàm lượng bùn lắng cao đã làm giảm hoặc mất khả năng tự phân hủy khiến diện tích thoát nước của đường ống vốn hẹp lại càng hẹp hơn.

 

Tương tự, hệ thống bể tự hoại tại các khu chung cư lâu ngày không được nạo vét cũng gây ô nhiễm không kém... Bà Nguyễn Thị Lý, khu tập thể Văn Chương, cho biết: "Chỉ cần một cơn mưa nhỏ, các hộ ở tầng 1 đã bị nước bẩn tràn vào nhà...".

 

Được thiết kế từ 40-50 năm trước cộng thêm diện tích đất sử dụng chung bị lấn chiếm, tại hầu hết các khu chung cư cũ hệ thống đường giao thông giờ đã quá chật chội trong khi dân số ngày càng đông.

 

Ngoài ra, một số khu đã bị “biến tướng”, không chỉ là khu nhà ở mà còn là khu kinh doanh, dịch vụ, xen lẫn nhà thấp tầng, trụ sở cơ quan... Do vậy, hiện tượng giao thông xung quanh các khu nhà bị tắc nghẽn là khá phổ biến.  

 

Cải tạo lại: Quá khó!

 

Theo ông Đặng Dương Bình, trưởng Phòng Quản lý môi trường và khí tượng thủy văn (Sở TN-MT&NĐ Hà Nội), để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường sống tại các khu tập thể, khu chung cư cũ, cần phải cải tạo, xây dựng lại tất cả các khu này. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc cải tạo lại cả một khu tập thể qui mô như Văn Chương, Nguyễn Công Trứ... vẫn còn nhiều vướng mắc lớn, từ việc tìm nguồn vốn đầu tư đến cách thức triển khai dự án, giải phóng mặt bằng, cơ chế tái định cư...

 

Đến nay, ngay cả chính sách khung về cải tạo chung cư cũ cũng chưa được UBND TP ban hành. Vì thế, để các dự án này thực hiện xong phải cần một khoảng thời gian tương đối dài.   

 

Theo Tuấn Cường
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm