1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Chung cư 8 tầng xây không phép giữa Hà Nội

Đó là khu nhà ở tổ 64 phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Mặc dù nằm ở ngoài đê sông Hồng - khu vực cấm xây dựng theo pháp lệnh đê điều, song chủ đầu tư là Công ty Chăn nuôi chế biến xuất nhập khẩu vẫn tự ý xây dựng nhà cao tầng và bán cho người dân.

Tòa nhà được tọa lạc trên diện tích 300m2, khu đất vốn được đơn vị chủ quản là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép làm nhà kho.

Năm 2001, Công ty Chăn nuôi chế biến xuất nhập khẩu đã tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà chung cư để bán. Tòa nhà có thiết kế phê duyệt là 6 tầng, nhưng thực tế cao tới 8 tầng, có thang máy.

Tự xây dựng vì... không được cấp phép

Ông Đoàn Trọng Lý, Giám đốc Công ty Chăn nuôi chế biến xuất nhập khẩu, cho biết, đơn vị này đã xin giấy phép xây dựng vào tháng 7/2001, song không thấy đơn vị cấp phép là Sở Xây dựng Hà Nội trả lời.

Tới tháng 2/2002, chủ đầu tư thông báo tới chính quyền phường sở tại và tự khởi công công trình. "Theo quy định của UBND thành phố, sau 25 ngày khi nhận hồ sơ nhưng cơ quan chức năng không trả lời thì chủ đầu tư được phép khởi công. Ngoài ra, theo quyết định của Bộ Thủy Lợi, công trình cách cơ đê 20m có thể xây dựng và báo cáo", ông Lý nói. Từ lập luận đó, đơn vị này đã tự ý khởi công nhà chung cư mà không có giấy phép.

Ông Đoàn Trọng Lý thừa nhận là chung cư tại tổ 64, phường Bạch Đằng không có giấy phép xây dựng. Song nếu công trình nằm trong quy hoạch và thành phố Hà Nội yêu cầu phải phá dỡ thì đơn vị sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm di dời và bồi thường cho người dân trong khu chung cư.

Công trình nhà ở không phép này hiện đã được hoàn thiện, hầu hết căn hộ trong 7 tầng (tầng 1 làm dịch vụ) đã được bán cho cán bộ nhân viên và người dân bên ngoài để làm nhà ở, với số tiền từ 300 triệu đến 500 triệu đồng một căn hộ.

Không chỉ xây một chung cư 8 tầng, Công ty Chăn nuôi chế biến xuất nhập khẩu còn đang xúc tiến xây nhà chung cư 21 tầng tại khu vực này.

Ông Nguyễn Văn Điển, tổ trưởng dân phố 71 phường Bạch Đằng, cho biết: "Chúng tôi rất bức xúc khi giữa thủ đô có công trình xây không phép mà không bị xử lý, cơ quan chức năng làm ngơ sau nhiều năm. Một số hộ dân đã mua nhà đang rất lo lắng vì họ biết không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà".

Cơ quan chức năng lúng túng xử lý vi phạm

Theo ông Phan Văn Được, Trưởng phòng cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, công trình này không được cấp phép vì nằm ngoài đê sông Hồng, phòng cấp phép đã trả lời với chủ đầu tư là không đủ điều kiện cấp phép. Tuy nhiên, chủ công trình vẫn tự ý xây dựng, việc xử lý vi phạm này thuộc về chính quyền sở tại và thanh tra xây dựng.

Còn UBND phường Bạch Đằng cho biết, trong năm 2002, UBND phường đã ra 2 quyết định xử lý vi phạm và đình chỉ công trình, song không thể ngăn chặn được chủ đầu tư thi công.

Lãnh đạo của cơ quan quản lý xây dựng của thành phố Hà Nội còn bất ngờ trước vụ việc này. Ông Bùi Văn Chiểu, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ông mới được biết về công trình không phép này bởi thanh tra xây dựng cũng như chính quyền phường sở tại đã không báo cáo tới lãnh đạo Sở.

Theo ông Chiểu, trách nhiệm dung túng vi phạm thuộc về phường sở tại.

"Đây là vụ việc rất phức tạp. Người dân đã mua nhà ở, nhập hộ khẩu tại khu vực sở tại nên không dễ di dời họ đi", ông Chiểu nói. Để tìm hướng giải quyết, ngày 30/5, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức họp bàn với các ban ngành tìm hướng xử lý công trình này.

Cuộc họp đưa ra kết luận: Chủ đầu tư là Công ty chăn nuôi chế biến xuất nhập khẩu đã tự ý xây dựng không phép, vi phạm pháp lệnh đê điều và thay đổi mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, chính quyền sở tại đã buông lỏng quản lý trật tự xây dựng.

"Chúng tôi sẽ báo cáo và xin ý kiến của UBND thành phố Hà Nội, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn để tìm cách giải quyết hợp lý với nhà chung cư này. Ngoài ra, đề nghị xử lý những cán bộ sở tại đã dung túng cho vi phạm tại khu vực này thời gian qua. Nếu các cơ quan này ra quyết định phá dỡ thì chúng tôi sẽ thực thi", ông Chiểu nói.

Theo Đoàn Loan
VnExpress