Hà Nội:
Chùm ảnh: Bắc cầu phao nối hai bờ sông Hồng
(Dân trí) - 4h chiều 23/11, hơn 1.000m cầu phao quân sự bắc qua sông Hồng nhằm mục đích giải tỏa ách tắc giao thông cho cầu Thăng Long đã thông xe kỹ thuật thành công.
15h chiều 23/11, cầu được lắp ghép xong. 16h chiều, gần 10 xe ô tô, xe tải của Binh chủng Công binh và Sở GTVT Hà Nội đã xuống cầu thông xe kỹ thuật.
Dưới sông, hơn 400 chiến sỹ thuộc Binh chủng Công binh (Bộ Tư lệnh Công binh) túc trực và khẩn trương làm nhiệm vụ bắc cầu suốt từ chiều 22/11. Trên bờ, công tác đắp bãi, san đường, mở bến xe được hơn 100 công nhân và hàng chục xe ủi, máy xúc của Công ty CP Công trình Giao thông 2 Hà Nội làm việc 24/24.
Quá trình bắc cầu phao qua sông Hồng được tiến hành nhanh chóng và thận trọng. Để đảm bảo an toàn và tiến độ, tất cả tàu, bè, phà đi qua đây đều phải ngừng hoạt động tạm thời.
Cầu phao bắc qua sông Hồng có tổng chiều dài hơn 1.000m, chiều rộng 8m. Việc bắc cầu qua sông được chia làm 2 mảng và 2 Lữ đoàn triển khai, trong đó: Lữ đoàn 249 làm nhiệm vụ ở phía Bắc cầu, Lữ đoàn 239 chịu trách nhiệm ở phía Nam cầu.
Đại tá Phùng Quang Nam (Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn Công binh 239, Bộ Tư lệnh Công binh) cho biết: “Cầu này là cầu quân sự PMB do Nga sản xuất năm 1972, có trọng tải 60 tấn. Cầu phao được bắc qua sông Hồng nhằm mục đích giải tỏa ách tắc giao thông, giảm tải cho cầu Thăng Long. Tất cả các loại ô tô, xe tải nặng, xe container có thể chạy 2 làn đường với tốc độ khoảng 30km/h…”.
Cũng theo Đại tá Phùng Quang Nam: “Trong chiến tranh, thời gian sử dụng cầu phao này tối đa là 10 ngày, nhưng hiện nay để thực hiện mục đích giải tỏa ách tắc giao thông thì cầu phao sẽ được duy trì liên tục trong vòng 3 tháng. Sau khi cầu được thông xe chính thức, sẽ có khoảng 100 chiến sỹ làm nhiệm vụ hàng ngày tại cầu để duy trì và kiểm tra cầu”.
Được biết, khi cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng, từ 23h đêm đến 5h sáng cầu sẽ được cắt đốt phao để mở đường cho tàu bè và phà chở cát đi lại.
“Khó khăn lớn nhất là vấn đề giải tỏa bến, trên bờ người dân chiếm dụng bờ sông để tập kết vật liệu xây dựng đã gây trở ngại cho công tác làm đường và lập bến. Tuy nhiên, hiện công việc vẫn đảm bảo tiến độ, hết đêm nay đường và bến cầu sẽ cơ bản được hoàn thành” - ông Nguyễn Hoan Dư - Giám đốc Công ty CP Công trình Giao thông 2 Hà Nội, cho hay.
Chiếc cầu phao được bắc qua bến phà Chèm có thể chịu được tải trọng của các loại xe lên tới 60 tấn…
… và thêm một lần nữa, trong thời bình giao thông của Hà Nội phải viện trợ đến sức mạnh của người lính công binh.
Cầu phao bên bờ Nam được hoàn thành trước và đợi ghép với bờ Bắc chiều 23/11/2009
Những chuyến xà lan chở cát cuối cùng được qua nốt để hoàn thành việc ghép cầu
Đại tá Phùng Quang Nam, lữ đoàn trưởng lữ đoàn Công binh 239 trực tiếp xuống xà lan tại bờ Bắc để chỉ huy việc ghép cầu
Hai đầu cầu dần tiến gần lại …
Những tín hiệu cuối cùng được phát ra
Những mét nước cuối cùng
Cầu phao qua sông Hồng tại phà Chèm đã được neo lại, chờ thông xe kỹ thuật chiều tối nay
Thiếu tướng Dương Đức Hòa, tư lệnh Binh chủng Công Binh, chỉ huy phía bờ Bắc
Đường dẫn hai bên đầu cầu phao tại Chèm và Võng La (Đông Anh) được gấp rút rải đá
Những người dân Chèm đổ ra xem việc dựng cầu Phao,
Cầu phao Chèm nhìn từ cầu Thăng Long, nơi khiến một lần nữa cầu phao lại được sử dụng
Giao thông đường bộ được giảm tải, giờ đến giao thông đường thủy chịu khổ, các xà lan tập kết hai bên cầu phao
Việt Hưng - Châu Như Quỳnh