Chuẩn bị tổng kê khai tài sản cán bộ, công chức
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình cho biết, khả năng trước cuối năm nay sẽ tiến hành kê khai tài sản của những người có chức vụ, quyền hạn theo Luật phòng chống tham nhũng.
Luật phòng chống tham nhũng bắt đầu có hiệu lực từ 1/6. Vậy việc chuẩn bị các văn bản hướng dẫn đã hoàn tất chưa, thưa ông?
Nghị định về kê khai tài sản, Nghị định về thành lập Cục phòng chống tham nhũng (thuộc Thanh tra Chính phủ), kế hoạch hướng dẫn thực hiện luật phòng chống tham nhũng đã chuẩn bị đầy đủ hết. Bây giờ chỉ chờ Chính phủ thông qua và triển khai.
Xin hỏi ông về dự thảo Nghị định kê khai tài sản. Có điểm gì mới để khắc phục kê khai hình thức như hiện nay?
Căn bản vẫn dựa trên Luật phòng chống tham nhũng để thực hiện. Nhưng lần này có đi vào cụ thể là xác lập tính minh bạch trong các hoạt động. Nếu thực hiện đúng sẽ khắc phục dần kê khai hình thức.
Nhưng đòi hỏi ngay một lúc khắc phục triệt để hình thức trong kê khai tài sản là chưa nổi! Nó phải đồng bộ với các quan hệ khác, ví dụ như sử dụng tài khoản ngân hàng, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, vấn đề chống rửa tiền, các luật liên quan khác...
Nếu Chính phủ thông qua nghị định này thì bao giờ mới thực hiện?
Luật phòng chống tham nhũng quy định có giá trị từ 1/6. Thường các nghị định của Chính phủ chậm hơn so với luật bởi vì nhiều nội dung quá làm không kịp. Nhưng tôi tin rằng trong năm nay triển khai được, khả năng trước cuối năm.
Quan tâm của người dân là kê khai tài sản. Có lý do vì sao kê khai hình thức chứ không phải tất cả mọi người muốn hình thức. Những người sống một cách bình thường không muốn kê khai hình thức và kê khai đàng hoàng. Nhưng rất tiếc nhiều khi khó tin rằng kê khai đàng hoàng! Đây là một câu chuyện dài, mình phải gỡ từ từ.
Khó nhất là kiểm soát được các nguồn tài sản, thu nhập?
Điểm xuất phát kê khai không đồng nhất, xuất phát điểm không có. Nguồn thu nhập rất ngổn ngang. Ai có tiền mà bảo là tham nhũng cũng không phải. Nói người nghèo khó khăn trong sạch cũng không hẳn.
Các nước đã làm nhưng mình chưa học được người ta hoặc chưa chịu học. Họ kê khai tài sản trong giai đoạn lên nắm quyền. Công khai tài sản và đến khi chấm dứt quyền lực, biết được thu nhập, tài sản ông này là bao nhiêu.
Nghĩa là kê khai tài sản trước khi nhậm chức?
Kê khai trước khi nhậm chức và sau khi nhậm chức xem phát sinh tài sản trong giai đoạn đó có hay không. Rồi họ công khai trên mạng. Mình điểm xuất phát điểm không có cứ kê khai. Kê khai bao nhiêu chẳng ai thẩm tra. Nhiều biến tướng và dễ đưa đến tình hình thức!
Liệu với nghị định kê khai tài sản có thẩm tra, xác minh được tính chính xác, trung thực của kê khai?
Tôi thấy cũng chưa đạt yêu cầu! Bởi vì như tôi nói, phải đồng bộ với các luật khác. Thứ hai phải xác định thời điểm kê khai, chức trách phải kê khai, quá trình hoạt động để nắm diễn biến vì hiện nay chúng ta theo dõi không xuyên suốt.
Bản kê khai tài sản của quan chức cao cấp có công khai rộng rãi ra bên ngoài?
Công bố chỉ trong tổ chức theo dõi, đánh giá cán bộ. Còn ai muốn cần tìm hiểu vấn đề này thì có kênh riêng trong tổ chức có thể cung cấp được. Không phải bí mật tuyệt đối nhưng việc công khai trên mạng thì chưa.
Theo Văn Tiến
VietNamnet