1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chưa xử lý được xe buýt nhái

(Dân trí) - Thị trường vận tải hành khách công cộng đang xuất hiện <a href=" http://dantri.com.vn/Sukien/2006/2/103206.vip"> loại xe với mầu sắc, biểu tượng giống như xe buýt </a>nhằm trà trộn bắt khách. Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Tổng Giám đốc Transerco cho rằng rất khó ngăn chặn bởi vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các xe buýt giả này.

Trong thời gian vừa qua đã xuất hiện một loạt xe buýt nhái xe của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco). Vậy ông có thể cho biết những chiếc xe này thường hoạt động như thế nào?

Thông tin chúng tôi có được là qua phản ánh của hành khách, loại xe buýt trá hình này hoạt động chủ yếu trên một số tuyến buýt cận kề như Hà Nội - Hưng Yên, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Hải Dương.

Một số thông tin nhận diện về xe buýt của Transerco

Màu sắc xe: gồm ba màu cơ bản vàng, trắng và đỏ, màu sơn phía đuôi xe được cách điệu. Trên xe có số hiệu tuyến và lộ trình tuyến rút gọn. Chữ TRANSERCO dán đầu xe. Bảng chỉ dẫn chiều xe đang chạy.

Toàn bộ Công nhân lái xe và nhân viên bán vé của Transerco đều được trang bị đồng phục gắn thương hiệu Transerco – Hanoibus và đeo thẻ nhân viên trong khi làm việc.

Đây là những tuyến xe buýt kế cận mới được đưa vào hoạt động, nhưng lượng hành khách đi lại trên tuyến khá lớn. Và đây chính là nguyên nhân khiến một số chủ phương tiện lợi dụng thiết kế kiểu dáng xe giống với xe buýt hiện nay để hoạt động.

Ngoài ra, những xe buýt trá hình này thường không hoạt động ở đầu và cuối tuyến. Cụ thể, đến địa phận đầu Hà Nội, họ chỉ bắt khách ở quanh khu vực Long Biên, không dám vào nội thành.

Theo chúng tôi được biết, các tuyến buýt kế cận này đã được đưa vào hoạt động từ tháng 8/2005, nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản pháp lý nào áp dụng cho lĩnh vực vận tải này. Liệu đây có phải là một trong những kẽ hở để xe buýt nhái xuất hiện?

Chưa xử lý được xe buýt nhái - 1
  

Trên xe luôn có biển kiểm soát

Đúng là kể từ lúc đưa vào sử dụng buýt kế cận mới “đẻ” ra loại... buýt nhái. Từ tuyến đầu tiên chúng tôi mở tại Hưng Yên, các tuyến xe khách liên tỉnh bị vắng khách và cũng chính điều này đã dẫn tới hàng loạt các xe khách liên tỉnh sau đó nghỉ và sơn lại màu sơn xe thành đỏ vàng như xe buýt. Và từ đó xuất hiện buýt nhái.

Vậy xe buýt nhái có gây ảnh hưởng đến hoạt động của Transerco không, thưa ông?

Tất nhiên là có bởi xe buýt nhái đã làm ảnh hưởng đến khách hàng và thương hiệu Transerco của chúng tôi. Để có được thương hiệu Transerco như ngày hôm nay, TCT đã tốn rất nhiều để xây dựng thương hiệu này.

Tuy nhiên, đối với chúng tôi, chuyện mất vài khách là không thành vấn đề, nhưng điều quan trọng ở đây là chuyện dân không biết sẽ trách mình.

Tai sao Transerco không đăng ký màu sơn, kiểu dáng của xe buýt?

Về việc này, chúng tôi đã đăng ký từ khá lâu, nhưng vẫn chưa hoàn thiện, chưa được công nhận! Trong năm nay chúng tôi sẽ cho ra mắt thêm một thương hiệu mới. Đó là thương hiệu buýt liên tỉnh của Transerco.

Vậy trong thời gian tới, Transerco sẽ giải pháp gì để đối phó với buýt nhái chưa, thưa ông?

Để đối phó với buýt nhái, chúng tôi đã đề nghị với các bến xe và lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng do các chế tài của chúng ta vẫn chưa đủ mạnh nên rất khó có thể ngăn chặn dứt điểm tình trạng buýt nhái như hiện nay. Có thể nói, vào thời điểm bây giờ bất cứ cái gì họ cũng có thể làm nhái được! Đây là một vấn đề rất khó, chỉ có các cơ quan chức năng mới làm được!

Trước mắt, hiện chúng tôi đang thực hiện và cố gắng sẽ tiến tới mỗi mặt hàng của TCT đều có bảo hộ độc quyền. Riêng về phần màu sơn, kiểu dáng thì Bộ GTVT đã quy định rồi, xe buýt là màu đỏ vàng. Nếu xuất hiện buýt nhái, chúng tôi có thể sơn thêm một số hoạ tiết khác để tạo sự khác biệt.

Xin cám ơn ông!

Mạnh Hùng (thực hiện)