Chưa thực hiện dự án khu lưu niệm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc

Trần Lê

(Dân trí) - Để tập trung phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo thành phố Sầm Sơn chưa triển khai dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Ngày 29/6, UBND thành phố Sầm Sơn đã có báo cáo về Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (gọi tắt là Khu lưu niệm) tại phường Quảng Tiến.

Chưa thực hiện dự án khu lưu niệm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc - 1

Phối cảnh dự án.

Theo ông Lê Văn Tú - Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ, trong thời gian từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955, tại xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn), tỉnh Thanh Hóa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sầm Sơn đã thay mặt Nhân dân Thanh Hóa nói riêng và đồng bào miền Bắc nói chung đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở miền Nam tập kết ra miền Bắc.

Hội cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đánh giá, Thanh Hóa là hậu phương lớn của cả nước, là địa phương đón đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc nhiều nhất, góp công lớn trong việc nuôi dưỡng, đào tạo rất nhiều cán bộ, chiến sĩ quay trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu và xây dựng đất nước.

Nguyện vọng của đa số các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam (trong đó có một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước là cựu học sinh miền Nam), mong muốn xây dựng một cụm công trình văn hóa, lịch sử nhằm tri ân những đóng góp, sự cưu mang của người dân miền Bắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.

Chưa thực hiện dự án khu lưu niệm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc - 2

Phối cảnh dự án về đêm.

Thể theo nguyện vọng đó, năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm ngày cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất giao cho thành phố Sầm Sơn bố trí quỹ đất để xây dựng Khu lưu niệm.

Nơi đây sẽ trở thành địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng thời còn là nơi sinh hoạt văn hóa, hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân thành phố và là một sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử của thành phố Sầm Sơn...

Sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND thành phố Sầm Sơn đã tiến hành các bước quy trình thủ tục, chuẩn bị đầu tư theo quy định.

Mới đây, ngày 21/6, Hội đồng nghệ thuật tư vấn tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội cán bộ, chiến sỹ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã tổ chức phiên họp thứ nhất để lựa chọn mô hình thiết kế Tượng đài; các bước tiếp theo đang được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu để tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chưa thực hiện dự án khu lưu niệm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc - 3

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, trong thời điểm hiện nay, thành phố Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa đang cùng cả nước tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên chưa triển khai thực hiện dự án.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, trong thời điểm hiện nay, thành phố Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa đang cùng cả nước tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên chưa triển khai thực hiện dự án.

Ông Lê Văn Tú cho biết, theo chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới, chỉ khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, thành phố mới phối hợp với Hội cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc lựa chọn một số hạng mục thật sự thiết thực, có quy mô phù hợp (bằng nguồn vốn do Hội cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc huy động và các nguồn xã hội hóa khác); không dùng ngân sách Nhà nước và sẽ được triển khai xây dựng vào thời điểm thích hợp.

Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được phê duyệt quy hoạch tại quyết định số 3428/QĐ-UBND, ngày 14/10/2014; phê duyệt chủ trương đầu tư tại quyết định số 2207/QĐ-UBND ngày 17/6/2015 và được điều chỉnh tại Nghị quyết số 322/NQ-HĐND ngày 21/9/2020 của HĐND tỉnh Thanh Hóa.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 255 tỷ đồng, do UBND thành phố Sầm Sơn làm chủ đầu tư.

Quy mô Dự án gồm: Khu A có diện tích khoảng 1,3 ha, dự kiến các hạng mục: Tượng đài con Tàu tập kết và phù điêu lớn hình cánh cung; nhà trưng bày hiện vật, đón tiếp, kết hợp chiếu phim tư liệu và công trình phụ trợ.

Khu B có diện tích khoảng 0,2 ha gồm 3 lán trại mô phỏng lại nơi ăn ở sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ học sinh miền Nam, giếng nước, cây xanh cảnh quan và công trình phụ trợ.

Con đường ký ức có chiều dài khoảng 1,4 km (đây là tuyến đường theo quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn được đầu tư mới, cải tạo phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội kết hợp trưng bày tái hiện những hình ảnh về Sầm Sơn giai đoạn trước năm 1955).

Công viên chuyên đề có diện tích 2,5 ha với mục tiêu phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thể thao kết hợp trưng bày chuyên đề lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ngoài trời.