Chưa thống nhất việc bỏ HĐND cấp phường
(Dân trí) - Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thống nhất được quan điểm về việc xóa bỏ hay giữ lại HĐND cấp phường tại buổi thảo luận về dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương sáng 20/1.
Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho rằng mô hình chính quyền địa phương hiện nay đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, HĐND không thực hiện được hết quyền lực của nhân dân trong giám sát hoạt động của chính quyền ở cùng cấp.
Theo ông Ksor Phước, ở thành phố, HĐND chỉ nên tổ chức ở cấp thành phố và quận; đối với cấp phường, việc giám sát quyền lực của UBND phường có thể do HĐND cấp quận, tỉnh thực hiện bằng cách tăng số đại biểu HĐND.
“Quyền lực là phải giám sát nhưng không có nghĩa phải do cơ quan cùng cấp thực hiện”- ông Ksor Phước bày tỏ.
Ông Ksor Phước cho rằng việc giám sát quyền lực của UBND phường có thể do HĐND cấp quận, tỉnh thực hiện. Ảnh: VOV.Đồng tình chủ trương bỏ HĐND ở cấp phường, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cho rằng nếu một đơn vị hành chính nào đó không có HĐND và chỉ có UBND thì vẫn không vi hiến. “Cấp phường có thể không cần phải có HĐND nhưng phải có UBND, để hài hòa, phù hợp với điều kiện của Việt Nam”- ông Thảo nói.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết, qua giám sát 11 tỉnh, với 6 tỉnh thí điểm không có HĐND cấp huyện, quận, phường thì có 8 tỉnh, thành phố đề nghị giữ mô hình các cấp chính quyền như hiện nay, tức là ở đâu có UBND ở đó phải có HĐND. Ngay cả ở địa phương thí điểm bỏ HĐND, bổ sung thêm thành viên HĐND ở cấp trên và tăng cường giám sát của MTTQ nhưng vẫn không làm được.
Bên cạnh đó, 3 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Phú Yên, Kiên Giang đề nghị tổ chức mô hình chính quyền đô thị và nông thôn, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, có những ý kiến đề nghị phải duy trì mô hình HĐND. Từ thực tiễn đi giám sát, bà Nương cho biết đang nghiêng về phương án bỏ HĐND cấp phường.
Phải cân nhắc việc bỏ HĐND cấp phường
Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, lại cho rằng ở đâu có chính quyền thì phải có cả HĐND và UBND.
“HĐND cấp phường là cấp quản lý tất cả các vấn đề của địa bàn, quyền lực hơn rất nhiều cấp xã, thậm chí mạnh hơn cấp huyện nếu bỏ đi thì ai giám sát và cấp quận có đủ sức giám sát không? Nếu nói cấp phường nhỏ không cần HĐND thì tại sao thị trấn lại cần HĐND?”- ông Hiển đặt vấn đề.
Chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng ở đâu có UBND, có chính quyền địa phương thì ở đó phải có HĐND để giám sát hoạt động.
“Xã, phường hay huyện cũng cần phải có giám sát chứ tại sao nơi khác có nơi tôi lại không? Sao ở xã khác có đại diện cho nhân dân, còn ở phường, quận tôi lại không có? Chúng ta phải tính kỹ, tránh làm rối”- ông Hiện bày tỏ.
Giải đáp những băn khoăn trên, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhấn mạnh luật này không phải không quan tâm đến quyền của nhân dân là giám sát. “Không có HĐND ở cấp đó không có nghĩa là không có giám sát. Cả hai phương án đưa ra đều có những mặt hạn chế và những ưu điểm riêng”- ông Lý nói.
Thế Kha