1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nam Định:

Chưa thể cung cấp hồ sơ thiết kế tháp truyền hình bị gãy

(Dân trí) - Ông Trần Anh Tú - Giám đốc Đài PTTH Nam Định - cho biết, sẽ đề nghị xây dựng tháp truyền hình mới thay thế tháp vừa đổ. Tuy nhiên điều này cần có sự “chung chi” cũng như sự đồng ý về tài chính của UBND tỉnh Nam Định và Đài THVN.

Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2737-1995, tháp truyền hình phải chịu được gió tốc độ 181 km/giờ. Tuy nhiên, trong hồ sơ mời thầu, không hiểu vì lý do gì, tiêu chuẩn lại được hạ xuống mức chịu đựng tốc độ gió là 120 km/h.

Sau khi gặp sự cố khiến tháp truyền hình hiện đại cao 180m của Đài PTTH Nam Định bị đổ sập trong đêm mưa bão, hệ thống phát sóng của Đài PTTH Nam Định bị tê liệt. Để khắc phục tạm thời sự cố, Đài PTTH Nam Định vẫn sản xuất chương trình và phát trên truyền hình cáp; đồng thời phát nhờ sóng của VTV2, VTV3,VTV6 có trên địa bàn.

Tháp truyền hình Nam Định bị bão số 8 kéo sập.
Tháp truyền hình Nam Định bị bão số 8 kéo sập.
Tháp truyền hình Nam Định bị bão số 8 kéo sập.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Anh Tú cho biết: “Thời điểm chúng tôi đặt lốt mua thiết bị từ Malaysia để lắp ráp xây dựng tháp truyền hình Nam Định là năm 2006. Vào thời điểm đó, chỉ duy nhất cột tháp của Đài THVN là hiện đại và cao nhất nước. Về sau là tháp truyền hình Đài Bình Dương và tháp truyền hình Đài PTTH Nam Định hiện nay có chiều cao 180 m cũng được xem là hiện đại tại Việt Nam”.

Theo ông Tú, lãnh đạo tỉnh Nam Định ký phê chuẩn kinh phí thu mua, lắp đặt tháp truyền hình từ năm 2005. Năm 2006, thiết bị được nhập ngoại từ Malaysia về nước. Sau đó, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC thực hiện việc lắp ráp. Đến tháng 6/2010 công trình đi vào hoạt động cho đến khi gặp sự cố đổ gãy mới đây.

Ngay sau khi tháp bị đổ, phía đơn vị bảo hành của VTC đã cùng các chuyên gia kỹ thuật người nước ngoài có mặt tại hiện trường cùng phối hợp với cơ quan chức năng tìm hiểu, giải quyết sự cố. Cùng đó, để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cụ thể của việc gãy tháp, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn đã giao Sở Xây dựng làm việc với Bộ Xây dựng để tìm hiểu nguyên nhân gãy tháp, trình phương án về UBND tỉnh biết, có hướng xử lý sự cố trong thời gian sớm nhất.

Cũng theo ông Tú, cột tháp bị đổ gãy trị giá khoảng trên 30 tỷ đồng, đi kèm cột tháp là các phụ kiện kỹ thuật trị giá khoảng 10 tỷ đồng.
Trước mắt, để khắc phục hậu quả, đài PTTH tỉnh đang phát sóng trên hệ thống truyền hình cáp. Ông Tú cho biết, dự kiến, khoảng 2 tuần nữa Đài nhà sẽ phát sóng tất cả các chương trình do địa phương sản xuất lên cột truyền hình cũ (đã dừng hoạt động khoảng 2 năm nay kể từ khi tháp hiện đại chính thức đi vào hoạt động).

Liên quan đến vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật của tháp truyền hình vừa đổ sập trọng cơn bão số 8 vừa qua, ông Tú khẳng định việc nhập khẩu thiết bị đã được thẩm định đầy đủ. Còn về thiết kế, do mua trọn gói từ Malaysia nên không có thiết kế kỹ thuật. Vào thời điểm tháp truyền hình hoàn thiện, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tiến hành nghiệm thu và cùng khẳng định đây là công trình đạt tiêu chuẩn về chất lượng.

Ông Trần AnhTú khẳng định việc nhập khẩu thiết
Ông Trần AnhTú khẳng định việc nhập khẩu thiết
Ông Trần AnhTú khẳng định việc nhập khẩu thiết bị tháp truyền hình đã được thẩm định đầy đủ; nhưng do mua trọn gói từ Malaysia nên không có thiết kế kỹ thuật.

Ông Tú cho biết sẽ xem lại tiêu chuẩn kỹ thuật của tháp có phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia hay không, bởi thời điểm mua thiết bị năm 2006, người phụ trách đấu thầu mua sắm thiết bị là một phó giám đốc kỹ thuật của đài, nay đã nghỉ hưu.

Theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, chủ đầu tư phải phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, các quy chuẩn và tiêu chuẩn phải theo quy định hiện hành, không được tự mình đưa ra. Ông Tú cho rằng giờ không thể khẳng định tháp bị đổ là do không đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân đang được cơ quan chuyên môn tìm hiểu nên ông chưa thể đưa ra lời khẳng định.

Liên quan đến sự việc, ông Tú cũng cho biết thêm, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cũng đã cử người về tìm hiểu nguyên nhân. “Mọi việc đã được Ban giám đốc Đài báo cáo lên UBND tỉnh, việc cung cấp hồ sơ liên quan đến quá trình nhập thiết bị, lắp ráp thiết bị và hồ sơ thiết kế, Đài PTTH Nam Đình chưa thể cung cấp.

Nếu được sự đồng ý từ phía UBND tỉnh chúng tôi sẽ cung cấp. Về kết luận nguyên nhân sẽ chờ kết luận của cơ quan chức năng. Trước mắt, chúng tôi đang cố gắng phối hợp với các đơn vị để giải quyết sự cố, nhanh chóng phát sóng lên truyền hình phục vụ nhân dân” - ông Tú phân trần.


Quốc Đô - Anh Thế