Chưa tăng giá điện, nước từ nay đến hết năm
(Dân trí) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng thêm khoảng 0,5-0,7% do xăng dầu tăng giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành chức năng nghiên cứu việc hỗ trợ cho người dân, trong đó có cán bộ công nhân viên chức, để vượt qua khó khăn hiện nay.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo Điều hành xăng dầu sáng 21/7.
Đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này được xem là kỷ lục từ trước tới nay, khi xăng tăng 4.500 đồng/lít, dầu hoả tăng hơn 6.000 đồng/lít, dầu ma-dút tăng hơn 3.000 đồng/lít, diezel tăng 2.000 đồng/lít. Bộ trưởng cho biết vì sao lại có mức tăng mạnh như vậy?
Các bạn đã biết xăng dầu thế giới đã tăng rất cao, trong khi Chính phủ đã đặt ra mục tiêu là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Chính vì thế từ đầu năm 2008 tới nay chúng ta đã không tăng giá rất nhiều mặt hàng, trong đó có xăng dầu kể từ cuối tháng 2 tới nay.
Việc không tăng giá đó đã khiến chúng ta phải bù lỗ rất lớn, tới 14.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm và có thể lên 67.000 - 72.000 tỷ đồng cả năm nếu vẫn giữ giá. Như thế Ngân sách Nhà nước sẽ không chịu đựng nổi. Hơn nữa, giá của chúng ta thấp hơn các nước xung quanh gây ra tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới rất khó kiểm soát. Ngoài ra, chúng ta không có nguồn để đảm bảo cho an sinh xã hội, cộng với việc gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Từ các lý do trên, chúng ta phải điều chỉnh và điều này là thực hiện từng bước theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên dầu diezel Nhà nước vẫn bù lỗ tới 70% mức chênh lệch so với giá thế giới, thuế nhập khẩu xăng dầu bằng 0%... thể hiện quyết tâm kiềm chế lạm phát.
Trước thời điểm tháng 7, Chính phủ và các bộ ngành đã nói, nếu có điều chỉnh giá xăng dầu thì sẽ điều chỉnh từ từ chứ không "buông" ngay. Đợt điều chỉnh mạnh lần này có thể xem là từ từ hay không?
Đối với xăng dầu từ đầu năm tới giờ đã bù lỗ quá lớn, giờ quá sức chịu đựng của ngân sách Nhà nước. Nếu chúng ta không làm gì cả thì một năm bù lỗ tới 38% số thu nội địa của Nhà nước và điều này không thể được, cũng như khống chế buôn lậu cực kỳ khó khăn.
Về mức điều chỉnh, dù điều chỉnh như vậy nhưng Chính phủ đã tính toán rồi, chưa phải theo thị trường hoàn toàn đâu, vì sau khi tăng mà giá xăng dầu của chúng ta vẫn thấp hơn Campuchia. Đây là một câu hỏi, một bài toán rất khó trong kiềm chế lạm phát, nên Chính phủ chỉ đồng ý điều chỉnh xăng tăng lên 19.000 đồng/lít.
Giá xăng dầu tăng mạnh, Bộ trưởng đánh giá thế nào về sự tăng giá “ăn theo”của các mặt hàng khác và chỉ số giá tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng thế nào?
Hiện nay, điều chỉnh giá xăng dầu đương nhiên có ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nói chung; theo tính toán của chúng tôi, nó sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng ở mức 0,5% - 0,7%.
Hàng không không ảnh hưởng bởi đợt điều chỉnh xăng dầu lần này, xăng dùng cho máy bay đã điều chỉnh từ 15% xuống tới 0%. Các doanh nghiệp hàng không hiện còn chịu đựng được, chỉ ảnh hưởng khi giá xăng dầu thế giới tăng tiếp.
Chính phủ có tính toán sự tác động đến các mặt hàng khác, nên đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm vẫn kiểm soát được lạm phát chung.
Thứ nhất là với điện, than, nước sạch... là từ nay tới hết năm là chưa điều chỉnh giá. Thứ hai, các doanh nghiệp tiếp tục phải kiểm soát chi phí, tiết kiệm hạ giá thành, hạ chi phí, trong trường hợp có điều chỉnh thì phải đăng ký với Nhà nước để cơ quan chức năng kiểm soát.
Với các doanh nghiệp có khó khăn thì Chính phủ có hỗ trợ, chẳng hạn thuế nhập khẩu của các mặt hàng thiết yếu thì phải hạ xuống, thuế xuất khẩu của những mặt hàng quan trọng thì phải xem xét..., rồi giãn nộp thuế 6 tháng...
Bộ Tài chính đã có những biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất sử dụng nhiều xăng dầu?
Với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mà còn lỗ thì Nhà nước tiếp tục cho khoanh nợ để đảm bảo duy trì nguồn cung, đồng thời tạm ứng tới 95% số lỗ cho họ. Tiếp theo, Chính phủ cũng chỉ đạo các ngân hàng cung ứng đủ vốn cho các doanh nghiệp này. Ngân hàng cũng phải có ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu, không vì thiếu vốn mà hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng...
Ảnh hưởng xăng dầu có nhóm cán bộ công chức, vậy Bộ Tài chính có xem xét điều chỉnh tăng lương cho nhóm đối tượng này không?
Khi điều chỉnh giá thì ảnh hưởng chung và yêu cầu đầu tiên là Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp phải chia sẻ. Quốc gia nào cũng phải làm việc đó. Hiện nay Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ ngành chức năng nghiên cứu việc hỗ trợ cho người dân, trong đó có cán bộ công nhân viên chức, để vượt qua khó khăn hiện nay. Trước mắt, Thủ tướng cũng vừa ký quyết định nâng mức hỗ trợ về dầu cho ngư dân là chủ sở hữu tàu đánh bắt hải sản hoặc tàu cung ứng dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản.
Đối với tàu có công suất máy từ 90 CV trở lên: hỗ trợ 10 triệu đồng cho một chuyến đi đánh bắt hải sản, hỗ trợ 3 lần/năm. Đối với tàu có công suất máy từ 40 CV đến dưới 90 CV: hỗ trợ 6, triệu đồng cho một chuyến đi đánh bắt hải sản; hỗ trợ 4 lần/năm. Đối với tàu có công suất máy dưới 40 CV: hỗ trợ 4 triệu đồng cho một chuyến đi đánh bắt hải sản, hỗ trợ 5 lần/năm.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguyễn Hiền