1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên số 1”

(Dân trí) - “Mặc dù điều chỉnh giá xăng dầu nhưng chúng ta vẫn xác định mục tiêu kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1. Chúng ta vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: Điều chỉnh tăng giá lần này là bất khả kháng, bởi ngân sách Nhà nước không thể tiếp tục bù lỗ cho xăng dầu. Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, nếu giá dầu thế giới tăng lên mức 145 - 150 USD/thùng như dự báo, thì kinh doanh xăng dầu cả năm nay sẽ lỗ từ 67.000 - 72.000 tỷ đồng (6 tháng đầu năm các doanh nghiệp đã lỗ 14.525 tỷ đồng, chưa kể số lỗ năm 2007 lên tới 7.400 tỷ đồng chưa có nguồn trang trải); con số này cũng chưa kể đến ngân sách Nhà nước bị giảm thu khoảng 25.000 tỷ đồng do giữ thuế nhập khẩu xăng dầu 0%.

Trong khi tổng nguồn thu nội địa của cả nước năm 2008 chỉ khoảng 200.000 tỷ đồng, nếu tiếp tục bù lỗ cho xăng dầu thì mức bù lỗ lên tới 38% thu nội địa (chưa tính đến nhiều mặt hàng như: điện, than, vé xe buýt... Nhà nước vẫn đang phải bù lỗ).

Theo Phó Thủ tướng, nếu tiếp tục bù lỗ lớn như vậy thì chúng ta sẽ bóp méo thị trường, trong khi nếu doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu không chịu đựng được lỗ nhiều thì sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung, thị trường giá cả xăng dầu sẽ càng thêm mất ổn định.

Lo lắng nhất của Phó Thủ tướng là giá cả các hàng hoá khác có thể tăng ồ ạt, sau khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng lên. Do vậy, “Chính phủ sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ngăn chặn điều này và một điều quan trọng khác là yếu tố tâm lý của người dân; trên thực tế, mỗi lần chúng ta điều chỉnh giá xăng dầu thì yếu tố tâm lý tác động lên rất nhiều”.

Phó Thủ tướng tin tưởng: “Có sự nỗ lực, cố gắng, đồng thuận chia sẻ của tất cả xã hội, của toàn dân, của tất cả các doanh nghiệp... thì chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn. Trong bất cứ nền kinh tế nào có sự trượt giá như chúng ta hiện nay thì sự đồng lòng của toàn xã hội là vô cùng quan trọng. Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 cho thấy, những quốc gia nào kêu gọi được sự chia sẻ của người dân, của doanh nghiệp thì người ta sẽ vượt qua nhanh chóng. Nếu mỗi doanh nghiệp chỉ lo tới lợi ích riêng của mình thì lợi ích chung bị phá vỡ và khi đó tác hại lại lan ra toàn xã hội”.

Lời kêu gọi này, theo Phó Thủ tướng là hoàn toàn có cơ sở, bởi tiềm năng tiết kiệm trong các doanh nghiệp của chúng ta vẫn vô cùng lớn. Về năng lượng, chúng ta đang sử dụng nhiều hơn 20% năng lượng so với các nước trong khu vực (chưa nói tới các nước tiên tiến) để sản xuất ra một đơn vị GDP.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm