1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chưa nghiêm túc trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ

(Dân trí) - Trong vòng 15 tháng, việc sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, đồ chơi nguy hiểm… đã làm 105 người chết, 128 người bị thương.

Chưa nghiêm túc trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ - 1
Tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ nhằm đảm bảo trật tự xã hội
 
Thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sản xuất, sử dụng trái phép các loại vũ kí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và cả đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực gây án diễn ra khá phức tạp.

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, chỉ tính riêng năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2009, cả nước đã xảy ra 345 vụ liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gây án; tàng trữ, sử dụng, buôn bán, sản xuất trái phép; tai nạn nổ do tự rà phá bom mìn lấy phế liệu. Hậu quả làm chết 105 người, bị thương 128 người.

Cơ quan công an đã bắt giữ 449 đối tượng, thu được khá nhiều súng quân dụng, súng săn, súng tự chế, súng thể thao, dao găm, kiếm mác, công cụ hỗ trợ, thuốc nổ và mìn tự tạo.

Theo Chỉ thị số 902/CT-TTg về tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số Bộ, ngành và địa phương chưa thật nghiêm túc, tích cực, thường xuyên.

Việc kiểm tra công tác quản lý, bảo quản, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ còn bị xem nhẹ, buông lỏng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn bị hạn chế. Từ đó đã dẫn đến một số cơ quan, đơn vị để mất, thất thoát vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, vì vậy vũ khí, vật liệu nổ, bom mìn bị vùi lấp trong lòng đất chưa thu hồi hết, một số người dân đi đào, bới tìm bán lấy tiền.

Mặt khác, đối tượng ở một số nước có biên giới liền kề nước ta đã sản xuất các loại vũ khí quân dụng, súng săn, dao lê, kiếm mác, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực để bán vào Việt Nam. Nghị định số 47/CP của Chính phủ sau gần 13 năm thực hiện, đến nay đã bộc lộ một số bất cập, như chế tài xử lý một số hành vi vi phạm chưa có hoặc có nhưng chưa đủ mạnh để xử lý và răn đe tội phạm…

Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị định số 47/CP và các văn bản hướng dẫn về việc tăng cường quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, tuần tra kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu, nhà ga, bến xe, cảng hàng không… nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực, nhất là nhập lậu từ nước ngoài.

Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc soạn thảo các văn bản pháp luật có liên quan. Đối với các vụ án có sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cần khẩn trương điều tra làm rõ. Đồng thời, có kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát toàn diện công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên toàn quốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Lan Hương