“Chưa nên kết luận về hiệu quả của đường bộ trên cao”
(Dân trí) - “Lợi hay hại của mỗi giải pháp phát triển giao thông đô thị cần phải có nghiên cứu mới đánh giá chính xác được. Theo tôi, chưa nên kết luận quá sớm về hiệu quả của đường trên cao trong việc chống ùn tắc giao thông”.
Liên quan đến giải pháp cấp bách mà Sở Giao thông vận tải vừa đề xuất với UBND TP Hà Nội về việc xây dựng ngay 6 tuyến đường trên cao (cầu cạn) nhằm chống ùn tắc giao thông, Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Khuất Việt Hùng (Phó Viện Trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải).
Xin ông cho biết xây đường trên cao trong nội đô Hà Nội có lợi và hại gì?
Lợi hay hại của mỗi giải pháp phát triển giao thông đô thị cần phải có nghiên cứu mới đánh giá chính xác được. Tuy nhiên, có thể sơ bộ điểm qua những lợi ích cơ bản của đường bộ trên cao trong đô thị là tiết kiệm diện tích đất đô thị - một nguồn tài nguyên cực kỳ quý hiếm ở Hà Nội và hầu hết các đô thị lớn nước ta hiện nay.
Với 6 tuyến đường trên cao mới được đề xuất xây dựng, theo ông tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội sẽ được giải quyết như thế nào? Hà Nội sẽ phải tính tới những yếu tố, cơ sở nào để thực hiện các dự án “đắt tiền” này?
Số lượng tuyến đường trên cao là bao nhiêu, lý trình tuyến, lộ trình xây dựng các tuyến này như thế nào là câu hỏi mở để nghiên cứu.
Tôi xin nhấn mạnh là cần đặt câu hỏi này ra để cho nhóm tư vấn đang nghiên cứu lập quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 họ giải quyết trong một không gian tổng thể của khu vực nội thành Hà Nội nói riêng và cả thủ đô nói chung. Theo tôi chưa nên kết luận quá sớm về tuyến nào, bao nhiêu tuyến ngay thời điểm này và hiệu quả của chúng trong việc làm giảm ùn tắc giao thông.
Tôi khẳng định cần phải có nghiên cứu nghiêm túc, xây dựng mô hình đánh giá tác động giao thông của từng tuyến và tương tác giữa hệ thống giao thông hiện hữu với các tuyến đường trên cao cũng nhưng tương tác giữa các tuyến đường trên cao với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị và vận tải hành khách công cộng khác.
5 tuyến đường sắt nội đô sắp được triển khai và 6 tuyến đường trên cao, số lượng này liệu có quá nhiều trong lòng 1 thủ đô nhỏ? Ông có thể mô tả như thế nào về bức tranh giao thông ở Hà Nội?
Thủ đô Hà Nội cần một số tuyến đường trên cao, đặc biệt là khu vực từ vành đai 2 trở ra, nhằm giải quyết nhu cầu giao thông. Các tuyến đường sắt đô thị là hết sức cần thiết, và đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị luôn cần phải được xác định có ưu tiên cao nhất vì đó là giải pháp phát triển bền vững.
Phát triển đường bộ nội đô luôn có xu hướng thúc đẩy sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, điều này đồng nghĩa với việc nếu chúng ta không có nghiên cứu về tương tác giữa đầu tư xây dựng đường sắt đô thị và đường trên cao thì sẽ mâu thuẫn cơ bản về mục tiêu.
Dưới góc độ nhìn nhận của một chuyên gia giao thông, xin ông cho biết sự ảnh hưởng đến văn hóa, môi trường, sinh hoạt người dân và mỹ quan đô thị khi làm đường trên cao?
Về văn hóa thì những tuyến đường cao tốc luôn là cú hích quan trọng của nhu cầu sửu dụng xe hơi, đây là vấn đề nghiêm trọng nhất mà đường cao tốc đô thị gặp phải.
Ảnh hưởng về môi trường là rõ ràng nhưng chúng ta có đủ các giải pháp để khắc phục, tuy nhiên chi phí khắc phục sẽ khá cao.
Việc xây dựng các tuyến đường trên cao đương nhiên gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, vì vậy tôi cho rằng không nên có tuyến đường trên cao nào trong vành đai 2 của thành phố và tôi cũng không thích làm thêm một tầng đường trên đê Yên Phụ.
Còn về sinh hoạt của người dân thì tất nhiên trong quá trình xây dựng, những người dân sống xung quanh khu vực công trường sẽ chịu ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi tiếng ồn, bụi và khả năng tiếp cận tới nhà ở, công việc, cửa hàng và các dịch vụ đô thị khác.