1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chưa nên đánh thuế nhà ở lúc này

(Dân trí) - Nhiều ý kiến tại thường vụ Quốc hội đề nghị phải cân nhắc kĩ việc có nên đánh thuế nhà ở vào thời điểm này hay không. Trong khi đó, phương án đánh thuế đất theo biểu thuế luỹ tiến từng phần đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình.

Dự án luật Thuế nhà, đất đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào chiều 9/9.
 
Tiền thu về không đủ bù chi phí
 
Tờ trình của Chính phủ đưa ra 2 phương án tính thuế suất đối với nhà ở. Phương án 1, áp dụng thuế suất 0,03% đối với các loại nhà ở có giá tính thuế từ trên 500 triệu đồng (tính thuế trên toàn bộ giá trị nhà).
 
Phương án 2, áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần: nhà ở có giá trị đến 500 triệu đồng áp thuế suất bằng 0; phần trên 500 triệu đồng, áp thuế suất 0,03% . Với quy định này, chỉ những nhà có giá trị trên 1 tỷ đồng mới phải chịu thuế, bởi dự kiến chỉ tính giá nhà bằng 50% đơn giá quy định.
 
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, hiện có nhiều loại ý kiến khác nhau về thuế nhà ở. Có ý  kiến cho rằng không nên thu thuế nhà vì khi mua nhà đã phải nộp thuế, trong khi có ý kiến đề nghị phải thu để chống đầu cơ, tăng ngân sách.
 
Chưa nên đánh thuế nhà ở lúc này - 1
Nhà chung cư cũng được đưa vào diện phải nộp thuế trong dự thảo luật.
 
Cũng theo ông Hiển, nhà 1 tỉ đồng mới đánh thuế nên ở nông thôn hầu hết không phải nộp, trong khi đối tượng phải nộp ở thành phố cũng không nhiều. Tổng thu thuế nhà theo tính toán chỉ đạt 1.200 tỉ đồng, không đủ chi phí để hành thu.
 
“Tuy nhiên, theo tôi thu không đưa ra hàng đầu mà tập dượt để đưa quản lí nhà ở, đất ở từng bước vào qui củ mới quan trọng”, ông Hiển bày tỏ.
 
Thế nhưng, nhiều ý kiến khác tại Thường vụ Quốc hội lại khác quan điểm của ông Hiển. Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Ksor Phước đề nghị, đối với nhà dùng để ở, không đem ra kinh doanh buôn bán thì không nên thu hoặc nếu có thu chỉ thực hiện một lần.
 
Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, cần cân nhắc việc thu thuế nhà ở vì trong thực tiễn có rất nhiều nhà làm ra chỉ để ở và Hiến pháp cũng qui định quyền nhà ở đối với mọi công dân.
 
“Tôi không đồng tình thu thuế nhà ở vào thời điểm này”, Phó Chủ tịch Quốc hội, Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ. Theo ông Sơn, việc tính m2 nhà ở để thu thuế là vô lí, bởi khi làm nhà người dân phải trả thuế cho từng viên gạch, chưa kể hàng năm phải sửa chữa, nhất là khi mưa bão.
 
Điều tiết diện tích đất vượt hạn mức
 
Về thuế đất, đa số các ý kiến đồng ý với phương án áp dụng thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Cụ thế: với diện tích đất trong hạn mức sẽ áp mức thuế suất 0,03%; phần diện tích vượt hạn mức, nhưng không quá 3 lần, áp mức thuế 0,06%; phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức, áp mức thuế 0,09%.
 
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích, mức thu với diện tích đất nằm trong hạn mức theo dự thảo luật không cao và thực tế thời gian qua đã thu tương tự như vậy. Việc điều tiết chỉ được thực hiện với phần diện tích vượt hạn mức.
 
Về trường hợp sở hữu nhiều nhà đất, dự thảo luật qui định, diện tích chịu thuế là tổng diện tích các thửa đất có quyền sử dụng. Đa số các ý kiến của UB Tài chính - Ngân sách không đồng tình với qui định này với lí lẽ, việc cộng dồn nhà, đất của người sở hữu nhiều nhà, đất ở nhiều địa phương khác nhau để tính thuế sẽ rất phức tạp…
 
Thêm nữa, với hệ thống thông tin quản lí về nhà đất chưa được cập nhật, kết nối như hiện nay, việc thống kê quản lí để tính tổng giá trị nhà, tổng diện tích đất của một cá nhân, tổ chức sở hữu tại nhiều địa phương khác nhau là một việc không đơn giản.
 
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, nếu không điều tiết người sử dụng nhiều nhà đất, mục tiêu hạn chế đầu cơ không đạt được. Ông Nam đề xuất, cho người có nhiều nhà đất lựa chọn nhà đất tại một địa phương nhất định để tính hạn mức, nhà đất còn lại nằm ngoài hạn mức sẽ phải nộp thuế.
 
Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm