“Chưa mấy lãnh đạo Cục, Vụ chủ động báo cáo công việc với Bộ trưởng”

(Dân trí) - Nói về những hạn chế, yếu kém trong hoạt động điều hành, quản lý, giải quyết vấn đề phát sinh trong ngành, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh nguyên nhân từ tinh thần trách nhiệm của từ lãnh đạo Bộ tới các bộ phận, trong đó quan trọng nhất là lãnh đạo chưa kịp thời bám sát thực tiễn…

Chiều 12/7, Bộ Xây dựng tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2017.

Báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động cho thấy, nửa đầu năm, ngành xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 8,5%, đóng góp 0,45 điểm % vào mức tăng trưởng chung, đứng thứ 3 trong số các ngành đóng góp vào GDP cả nước.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà: Lãnh đạo chưa kịp thời bám sát thực tiễn để có giải pháp kịp thời cho các vấn đề vướng mắc.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà: "Lãnh đạo chưa kịp thời bám sát thực tiễn để có giải pháp kịp thời cho các vấn đề vướng mắc".

Hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,86% so với cùng kỳ năm 2016, mức tăng cao nhất trong 05 năm gần đây. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23 m2 sàn/người, tăng 0,2 m2 sàn/người so với cuối năm 2016. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 37%, tăng 0,4% so với cuối năm 2016…

Vấn đề quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, chất lượng thẩm định được nâng cao hơn, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án vào khoảng 1,77 % tổng mức đầu tư; thông qua việc thẩm định thiết kế, dự toán đã cắt giảm chi phí khoảng 8,46 % so với dự toán. Tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thiết kế chiếm khoảng 26,3%, góp phần chống thất thoát, lãng phí đối với các dự án ngân sách nhà nước.

Theo số liệu tổng hợp, 6 tháng đầu năm 2017, tồn ứ ở khâu thẩm định giảm mạnh, không làm ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công.

Vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã tổ chức kiểm tra, rà soát các quy hoạch liên quan đến công tác quản lý đô thị, cấp phép xây dựng tại các địa phương; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là việc quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng các khu đô thị mới, chung cư cao tầng.

Kết quả hoạt động này sẽ được báo có Thủ tướng trong tháng 7/2017.

Việc quản lý thị trường bất động sản, 6 tháng qua, thị trường tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố như giá cả, số lượng giao dịch, tính thanh khoản ổn định, không có nhiều biến động, tồn kho tiếp tục giảm, cơ cấu hàng hóa tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu đa dạng của thị trường; tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng.

Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) phát triển mạnh đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thủ tướng yêu cầu cao khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn

Lãnh đạo Bộ Xây dựng chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành.

Ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành để đạt được những kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao đầu năm nhưng Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà vẫn lo ngại vì một số chỉ số chưa đạt yêu cầu.

Thách thức trong 6 tháng cuối năm với ngành để hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng cả năm 10,5%, theo Bộ trưởng Hà, rất nặng nề.

“Nói về những hạn chế, yếu kém của ngành, tôi muốn nói, nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan, thuộc về tinh thần trách nhiệm, nỗ lực điều hành của từ lãnh đạo Bộ tới các bộ phận, trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là lãnh đạo chưa kịp thời bám sát thực tiễn để có giải pháp kịp thời. Chưa mấy lãnh đạo các Cục, Vụ chủ động, trực tiếp báo cáo Bộ trưởng về những việc phát sinh trong thực tế, có vướng mắc cần giải quyết” – Bộ trưởng Xây dựng chỉ rõ.

Nhấn mạnh việc Thủ tướng luôn yêu cầu cao về khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn của cán bộ, ông Hà nhắc nhở, phải nhận thức rõ vấn đề này để tạo ra sự chuyển biến rõ ràng hơn trong 6 tháng cuối năm.

Bộ trưởng Xây dựng lưu ý những nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện. Trước hết là việc thúc đẩy huy động các nguồn vốn đầu tư trong ngành để tạo công ăn việc làm, tạo những giá trị gia tăng mới từ hoạt động xây dựng.

“Tính sơ qua, các dự án bất động sản được lập hiện nay có tổng mức đầu tư tới khoảng 3 triệu tỷ đồng mà phần lớn lại không phải vốn ngân sách. Nếu phân loại, tháo gỡ khó khăn kịp thời để đưa các dự án vào thực tế thì việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng không khó khăn. Như vậy, những đơn vị cụ thể cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản phải phối hợp chặt chẽ với từng địa phương thế nào để gỡ khó được cho từng dự án, đưa nguồn vốn vào lưu thông, sinh lợi” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà giao nhiệm vụ.

Một điểm nghẽn cần tập trung, theo ông Hà là hoàn thiện thể chế pháp luật về quản lý phát triển đô thị. Theo người đứng đầu ngành xây dựng, việc này cần làm với tâm thế trong sáng, không được để len lỏi tư tưởng lợi ích nhóm, lợi ích ngành.

Theo ông Hà, báo cáo từ Vụ Pháp chế của Bộ cho thấy một số Cục, Vụ tham mưu chưa đầy đủ, chưa tích cực, trọn trách nhiệm đối với việc này.

Nhiệm vụ quan trọng khác là quản lý, phát triển đô thị, Bộ trưởng Xây dựng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm phải nghiên cứu, đưa ra được nguyên lý nền tảng cho việc phát triển đô thị hẹp, giải quyết bài toán sức nén, chịu tải của đô thị. Hệ thống quy chuẩn hiện áp dụng vẫn từ thời Đông Âu, Liên Xô ngày xưa, thậm chí chưa có lý luận nào về quy hoạch chiều cao đô thị dẫn đến việc lúng túng khi phải cho ý kiến với những dự án cụ thể.

Bộ trưởng dẫn chứng, việc vừa qua tại TPHCM cho thấy nếu không có một dư duy mới về phát triển đô thị nén mà cứ giữ quy hoạch như hiện nay thì tình hình sẽ càng thêm khó khăn.

P.Thảo