1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực:

Chưa có văn bản hướng dẫn thi hành là vi phạm luật

(Dân trí) - “Nếu đến hôm nay (31/5) mà chưa có văn bản hướng dẫn là vi phạm, dù với bất kỳ lý do gì” ông Nguyễn Đức Dũng, thành viên Ủy ban Pháp luật của QH khẳng định như vậy khi nói về sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng, bắt đầu có hiệu lực từ 1/6.

Đến bây giờ mà các văn bản hướng dẫn vẫn chưa có, nhìn từ góc độ pháp chế ông thấy thế nào?

 

Theo qui định của luật Ban hành các văn bản qui phạm pháp luật, trước khi luật có hiệu lực thì các văn bản hướng dẫn phải có, đảm bảo khi luật có hiệu lực là có thể thực hiện được ngay. Vì vậy, nếu đến hôm nay (31/5)  mà chưa có văn bản hướng dẫn là vi phạm, dù với bất kỳ lý do gì.

 

Vậy Ủy ban Pháp luật của QH đã có động thái gì trước sự việc này?

 

Không biết Uỷ ban pháp luật thế nào còn cá nhân tôi nghĩ cần phải có ý kiến để nhanh chóng có văn bản hướng dẫn thực hiện, sớm đưa luật vào cuộc sống. Hiện nay, phần lớn luật chúng ta xây dựng vẫn mang tính chất khung, nếu không có văn bản hướng dẫn cụ thể nhiều khi lại thành cản trở đưa  luật vào cuộc sống.

 

Theo ông, sự chậm trễ này trách nhiệm thuộc về ai?

 

Rõ ràng thuộc về Chính phủ vì Chính phủ có trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn. Từ trước đến nay chúng ta xử lý chưa nghiêm nên vấn đề này cứ tồn tại, chậm cũng không sao, ban hành văn bản trái luật cũng không sao... Nếu chúng ta xử lý nghiêm thì rõ ràng sẽ khác.

 

Trong sự việc này có trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật của QH, ở góc độ giám sát là có vấn đề?

 

Ủy ban Pháp luật (UBPL) đang quá tải nên không thể giám sát hết. Không phải cứ cái gì ra UBPL cũng giám sát ngay, phải có  thời gian. Trong thời gian đang ban hành văn bản thì giám sát làm sao, rất khó. Nhưng nếu ngày mai (1/6) chưa có văn bản thì phải qui trách nhiệm của Chính phủ.

 

Nhưng luật qui định, khi trình dự án luật phải kèm theo Nghị định hướng dẫn. Vậy khi UBPL thẩm định luật phải có yêu cầu này?

 

Chúng tôi đã rất nhiều lần có ý kiến luật phải rõ ràng, có thể thi hành được ngay, hạn chế văn bản hướng dẫn và nếu có thì văn bản hướng dẫn cần phải qui định rõ trong luật về nội dung hướng dẫn, thời gian hướng dẫn, cơ quan hướng dẫn… nhưng có thực hiện được đâu.

 

Liệu tách UBPL có khắc phục được tình trạng này?

 

Khắc phục ngay chắc chưa được vì còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề như cán bộ, cách thức  làm việc… Cần phải có thời gian để đạt được mức độ nào đó.

 

Theo ông, Luật Phòng chống tham nhũng đi vào cuộc sống có gây được ấn tượng để thay đổi tình hình?

 

Tôi  nghĩ luật sẽ phát huy tác dụng, chỉ có điều nhiều hay ít mà thôi. Nếu chúng ta tổ chức thực hiện tốt thì nó sẽ phát huy hiệu quả tối đa.

                                                                                   

Xin cảm ơn ông.

 

Đức Hoà