1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chưa có hệ thống kiểm soát rủi ro cho thị trường vốn Việt Nam

(Dân trí) - Sắp tới, Chính phủ sẽ có quyết định về đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến 2010, định hướng 2020. Ông Phạm Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính, đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Trong Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam, Bộ Tài chính đã có giải pháp gì để tăng cường tính minh bạch và công khai của thị trường này?

 

Công khai, minh bạch là yêu cầu đầu tiên mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước về thị trường vốn. Theo quy định của Luật Chứng khoán, tất cả các công ty chứng khoán, các công ty niêm yết chứng khoán trên thị trường đều phải công khai minh bạch thông tin, phải được kiểm toán nghiêm túc, đồng thời phải tăng cường kiểm soát việc bán khống trên thị trường.

 

Hiện nay, việc bán cổ phần khống, bán quyền mua cổ phần, bán năm công tác… khá phổ biến trên thị trường tự do, những hoạt động này là không hợp pháp. Tuy nhiên, người dân do thói quen, do tâm lý bầy đàn, do ham lời nên họ vẫn mua bán như thế trên thị trường tự do, các cơ quan quản lý rất khó kiểm soát.

 

Sắp tới, khi Thủ tướng có quyết định về vấn đề này, liệu việc mua bán khống như trên có bị xử lý?

 

Các đương sự có hoạt động mua bán khống, nếu bị phát hiện hoặc nhân dân tố cáo lên các cơ quan chức năng sẽ bị xử lý. Nhưng rất tiếc là chưa có ai chỉ ra các đối tượng này. Các hoạt động mua bán chỉ diễn ra với những người trong cuộc, họ có quyền lợi liên quan mật thiết với nhau nên không ai dại gì nói ra ngoài. Chúng tôi xin lưu ý là việc mua bán khống chỉ diễn ra giữa các cá nhân với nhau, còn đối với các doanh nghiệp sẽ không thể bán khống được.

 

Liên quan đến thị trường chứng khoán, hiện có thông tin cho rằng có hiện tượng một số cổ đông do nắm giữ một số vị trí nhất định trong công ty được mua cổ phiếu với giá thấp hơn các cổ đông khác. Hành vi này có phải là lũng đoạn chính sách để trục lợi?

 

Đối với các công ty cổ phần thì nghị quyết của đại hội cổ đông là quan trọng nhất. Trong nghị quyết của đại hội cổ đông sẽ có quy định về giá cổ phiếu được phát hành nhưng phải cùng một mệnh giá. Trường hợp một vài công ty có một số cổ đông chiếm cổ phần ưu thế giành quyền mua giá thấp hơn so với các cổ đông phổ thông là không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.

 

Nếu có hiện tượng trên, trước hết các cổ đông trong doanh nghiệp cùng phải có ý kiến, và thông qua hội nghị cổ đông của doanh nghiệp để kiến nghị không cho phép bán với giá chênh lệch như thế.

 

Một khía cạnh khác, nếu việc mua bán cổ phiếu có mức giá khác nhau được thực hiện trên thị trường chứng khoán thì lúc này giá cả là do thị trường điều chỉnh. Điều này không liên quan gì đến việc quy định giá của công ty.

 

Hiện nay có khá nhiều quỹ đầu tư quốc tế lớn tham gia vào thị trường vốn Việt Nam, vậy khả năng kiểm soát các dòng vốn vào-ra trên thị trường hiện nay như thế nào?

 

Dòng vốn đầu tư gián tiếp vào TTCK đối với thị trường tự do là rất khó kiểm soát. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các ban ngành tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ dòng tiền gián tiếp này.

 

Việc khó kiểm soát nguồn vốn đầu tư gián tiếp đang khiến bài toán chống rửa tiền trên thị trường chứng khoán tự do khó có đáp án trong tương lai gần. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

 

Hiện nay ở Việt Nam việc thanh toán không dùng tiền mặt chưa phổ biến, cho nên hoạt động rửa tiền cũng rất khó kiểm soát. Chúng tôi đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban CKNN tăng cường các biện pháp quản lý và cố gắng đưa ra những giải pháp để hạn chế bớt hoạt động rửa tiền thông qua TTCK.

 

Để thực hiện việc hạn chế rửa tiền qua TTCK cần phải tăng cường việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là biện pháp được áp dụng chủ yếu ở các nước khác trên thế giới. Thứ hai là phải tăng cường việc kê khai tài sản, minh bạch tài sản, minh bạch thông tin. Nếu thực hiện tốt được các nội dung này thì chúng ta có thể chống được hoạt động rửa tiền không chỉ trên thị trường chứng khoán.

 

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này còn khá xa bởi chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi. Hiện các nước tiên tiến trên thế giới cũng có hoạt động rửa tiền chứ không riêng gì chúng ta, kể cả những nước đã áp dụng các biện pháp quản lý tối tân nhất. Tuy nhiên, các cơ quản quản lý nhà nước phải tăng cường các biện pháp kiểm soát để hạn chế tối đa hoạt động rửa tiền.

 

Theo Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010, định hướng 2020 của Bộ Tài chính, hiện thị trường vốn trong nước đang có những hạn chế về tính công khai minh bạch. Việc quản lý, giám sát còn nhiều bất cập trên cả phương diện điều hành kinh tế vĩ mô và giám sát thị trường. Đặc biệt, chúng ta chưa có một hệ thống kiểm soát rủi ro cho thị trường vốn.

Mặt khác, thị trường chứng khoán tự do hiện đang chiếm một thị phần lớn, lại không công khai, minh bạch nên tiềm ẩn bất ổn cho cả hệ thống tài chính.

 

Tân Đức