1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Chưa có cơ sở để nói F0 tại TPHCM tăng do bán rượu, bia"

Quang Huy

(Dân trí) - Việc tiếp xúc, ăn uống gần có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 hơn thông thường. Tuy nhiên, chưa có cơ sở để nói việc gia tăng ca mắc mới trên địa bàn thời gian qua liên quan đến việc phục vụ rượu, bia.

"Việc tiếp xúc, ăn uống gần nhau sẽ có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19, tuy nhiên, chưa có cơ sở để nói việc F0 gia tăng liên quan tới việc phục vụ rượu, bia" là những quan điểm các khách mời đưa ra tại chương trình Dân hỏi - thành phố trả lời của TPHCM tối 4/12. 

Với chủ đề "Mua sắm an toàn trong điều kiện bình thường mới", chương trình có sự tham dự của các khách mời là ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương; bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và bà Phạm Thi Vân, Trưởng ban Quản lý hệ thống bán lẻ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn.

Chưa có cơ sở để nói F0 tại TPHCM tăng do bán rượu, bia - 1

TPHCM tiếp tục thí điểm các hàng, quán kinh doanh tại chỗ đến hết năm 2022 (Ảnh: Hải Long).

Nếu cấp độ dịch tăng, chắc chắn phải đóng quán nhậu

Trả lời thắc mắc của người dân gửi tới, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM thông tin, việc mở lại dịch vụ kinh doanh ăn uống tại chỗ được TPHCM thực hiện từ ngày 16/11. Thời điểm này, thành phố Thủ Đức, quận 7 được thí điểm bán rượu, bia tại chỗ.

Việc mở lại các hoạt động kinh doanh ăn uống nhằm phục vụ nhu cầu chính đáng của đại bộ phận người dân. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thành phố tiếp tục thực hiện thí điểm đến hết năm 2021.

Chưa có cơ sở để nói F0 tại TPHCM tăng do bán rượu, bia - 2

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM (Ảnh: Quang Huy).

"Việc tiếp xúc, ăn uống gần nhau có nguy cơ lây nhiễm cao hơn thông thường. Tuy nhiên, chưa có cơ sở để nói việc gia tăng ca mắc mới trên địa bàn thời gian qua liên quan đến việc phục vụ rượu, bia", ông Nguyễn Nguyên Phương đánh giá.

Lãnh đạo Sở Công Thương kêu gọi người dân không nên quá lo lắng trước vấn đề này, bởi, TPHCM đã giao trách nhiệm và cùng các quận, huyện tiếp tục theo dõi, đánh giá sau khi thí điểm kết thúc. 

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chia sẻ thêm, việc bán rượu, bia chỉ gây lây lan dịch Covid-19 trong bàn có người là F0. Người dân cần tự giác, nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm túc việc cách ly và các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

"Việc kinh doanh rượu, bia tại chỗ phụ thuộc vào cấp độ dịch của địa bàn. Khi số ca mắc mới tăng đến mức nào đó, cấp độ dịch của địa phương tăng thì việc bán rượu, bia phải đóng lại", bà Lê Hồng Nga phân tích.

Có tình trạng giá cả tăng cao cận Tết

Chia sẻ tại chương trình, ông Nguyễn Nguyên Phương thừa nhận, tình trạng giá cả một số mặt hàng tăng cao đã xuất hiện thời gian qua. Không chỉ tại TPHCM, các địa phương khác và toàn thế giới cũng trải qua do đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát và các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19.

"TPHCM đã thực hiện chương trình khuyến mãi tập trung để giải quyết vấn đề trên. Việc này sẽ giúp tăng sức mua bán, tạo tăng trưởng cho nhà sản xuất đồng thời kéo giá cả thị trường xuống", Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin.

Chưa có cơ sở để nói F0 tại TPHCM tăng do bán rượu, bia - 3

TPHCM ghi nhận tình trạng giá cả leo thang dịp cận Tết.

Ngoài ra, trong dịp Tết, TPHCM tiếp tục duy trì mô hình bán hàng lưu động. Khi có địa bàn, khu vực ghi nhận giá cả tăng cao, các xe bán hàng lưu động sẽ tới để bình ổn giá, tránh việc tăng giá đồng loạt ở các khu vực khác.

Các xe bán hàng lưu động cũng phục vụ cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Ngoài vấn đề bình ổn thị trường, thành phố còn đặt mục tiêu phục vụ các mặt hàng cho người lao động với mức giá giảm sâu.

Ông Nguyễn Nguyên Phương cũng mong muốn, người dân nên cân nhắc mua bán tại các chợ tự phát bởi nguy cơ lây lan dịch Covid-19 và nguồn gốc hàng hóa không đảm bảo. TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ mở cửa lại các chợ truyền thống, đồng thời, xử phạt các chợ tự phát để đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch bệnh.

UBND TPHCM vừa có quyết định mới về việc tiếp tục thí điểm cho các cơ sở kinh doanh ăn uống được hoạt động đến hết ngày 31/12 năm nay.

Theo quyết định mới, các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ được hoạt động nếu đáp ứng các quy định theo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong dịch vụ kinh doanh ăn uống của TPHCM và hoạt động theo từng cấp độ dịch. TPHCM không còn quy định việc các hàng quán phải đóng cửa sau 22h.

Sau thời gian thực hiện thí điểm, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm gửi Sở Công Thương tổng hợp, đề xuất UBND TPHCM.