1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Chưa có cách chứng minh những thực phẩm an toàn”

(Dân trí) - “Thuốc giả, thông tin về thuốc chữa bệnh không đầy đủ, quảng cáo sai sự thật... đang gây sự nhầm lẫn, ngộ nhận về các loại thuốc, ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng của người sử dụng. Các hãng dược phẩm thông đồng với người bán thuốc, kê đơn để hưởng hoa hồng, buộc bệnh nhân phải mua thuốc với giá cao”.

Đó là ý kiến của ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, xung quanh chủ đề ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm nay: “Chống cổ động phi đạo đức cho thuốc chữa bệnh”.

 

Thưa ông, tại sao chủ đề của ngày người tiêu dùng thế giới năm nay lại là “Chống cổ động phi đạo đức cho thuốc chữa bệnh”?

 

Đây là vấn đề hết sức bức xúc với các nước đang phát triển, trong đó có nước ta. Theo tôi, cần có sự hưởng ứng của toàn xã hội thì hoạt động bảo vệ người tiêu dùng (NTD) với chủ đề nói trên mới được thực hiện tốt. Chẳng hạn các cơ quan Nhà nước phải quy định về quảng cáo thuốc chữa bệnh ra sao, quy định về đạo đức trong việc cổ động dùng thuốc chữa bệnh như thế nào, về tiếp thị thuốc, về quan hệ giữa các hãng dược phẩm với các nhân viên y tế ...

 

Trong năm qua có nhiều tiến bộ trong bảo vệ quyền lợi NTD, chẳng hạn như NTD được quan tâm nhiều hơn, bản thân NTD đã hiểu rõ hơn quyền, trách nhiệm cũng như cách tự bảo vệ quyền lợi của mình... Chúng tôi rất quan tâm đến việc bảo vệ NTD liên quan đến các vụ việc về chất lượng hàng hoá, lương thực, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chẳng hạn trong năm 2006 chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng làm sáng tỏ việc sữa hoàn nguyên lại ghi là sữa tươi nguyên chất hay vụ xăng có chứa aceton...

 

Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn đang “bí” ở nhiều vụ việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm bởi chúng ta vẫn chưa có biện pháp nào chứng minh cho NTD thấy đâu là những thực phẩm an toàn.

 

Trước thực trạng này, Hội đã có những liên hệ với các cơ quan chức năng như thế nào để bảo vệ quyền của người tiêu dùng?

 

Chúng tôi là hội tự nguyện, không có chức năng giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Nhà nước, do đó ngoài việc thông tin khuyến cáo tới NTD, chúng tôi thường xuyên liên hệ với các cơ quan chức năng như Cục quản lý thị trường về vấn đề hàng giả, Cục quản lý cạnh tranh, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm về vệ sinh thực phẩm...

 

Ngoài Bộ Thương mại, Bộ Y tế, chúng tôi còn liên hệ với Bộ Công nghiệp, Bộ KHCN và kiến nghị lên cả Thủ tướng để giải quyết những vấn đề liên quan đến bảo vệ NTD.

 

Còn việc tiếp cận của Hội với người dân như thế nào, thưa ông?

 

Chúng tôi hết sức quan tâm tới những NTD yếu thế nhất, dễ bị thiệt hại nhất,  chẳng hạn như NTD ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Vì thế chúng tôi đang nỗ lực phát triển hoạt động của Hội tới tận các địa phương. Ngoài Hội sở chính, hiện chúng tôi còn có 27 Hội tiêu chuẩn và bảo vệ NTD ở các tỉnh, thành phố và nhiều tỉnh đã triển khai hoạt động này xuống tận các huyện, các xã của mình. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận trực tiếp với đại diện của Hội ở địa phương để phản ánh, khiếu nại về những sản phẩm, hàng hoá dịch vụ...

 

Tuy nhiên tôi cũng xin nhấn mạnh các hoạt động của Hội cũng chỉ là một mắt xích trong chuỗi các hoạt động bảo vệ NTD của toàn xã hội, trong đó có các cơ quan quản lý, cơ quan tư pháp, doanh nghiệp, hiệp hội và ngay chính bản thân người tiêu dùng.

 

Hiện nay, nhận thức của người tiêu dùng không chỉ ở nông thôn, miền núi mà ngay cả ở thành phố vẫn còn khá mơ hồ, nhiều người chưa hiểu quyền của mình là gì cũng như trách nhiệm để tự bảo vệ mình như thế nào. Vì thế, việc thông tin tuyền truyền đóng vai trò hết sức quan trọng.

 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất quan tâm tới việc tác động tới chế độ, chính sách pháp luật có lợi cho NTD. Vì thế Hội đang phối hợp với Cục quản lý cạnh tranh đề nghị với Nhà nước xem xét sửa đổi Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi NTD từ năm 1999, tiến tới nâng lên thành luật Bảo về người tiêu dùng trong những năm tới, xứng tầm với vị trí của vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD ở nước ta. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với Cục quản lý cạnh tranh soạn ra những tờ rơi, sổ tay, sách.... để phổ biến kiến thức tới đông đảo NTD.

 

Mỗi năm Hội tiếp nhận được bao nhiêu đơn khiếu nại của người tiêu dùng, khả năng giải quyết của Hội đến đâu?

 

Mỗi năm chúng tôi tiếp nhận khoảng 1.000 lá đơn phản ánh, khiến kiện, kiếu nại của NTD. Trong đó có khoảng 70% lá đơn được Hội giải quyết và hình thức chính vẫn là hòa giải giữa NTD và nhà cung cấp. Còn với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của NTD, chúng tôi kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho NTD.

 

Xin cảm ơn ông!

An Hạ (ghi)