1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chưa chốt địa điểm đặt trung tâm hành chính quốc gia mới

(Dân trí) - Bên lề kì họp HĐND TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã có cuộc trao đổi với báo chí về những vấn đề “nóng” của đồ án quy hoạch chung Hà Nội như Trung tâm hành chính quốc gia mới, trục Thăng Long, đường hầm qua sông Hồng….

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, hiện phía Tây Hà Nội đã có quốc lộ 32 và đường Láng - Hoà Lạc, nếu trục Thăng Long được hình thành sẽ nằm“lửng lơ” giữa 2 con đường này và sẽ trở nên lãng phí?
 
Ba trục giao thông cách nhau như vậy không thể coi trục Thăng Long là lửng lơ. Cũng không thể nói trục này lãng phí bởi chúng tôi đã có tính toán về mật độ, lưu lượng vận tải, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội rồi.
 
Cả một vùng phía Tây phát triển nên chúng ta đang rất thiếu đường. Hiện giờ đường Láng - Hoà Lạc đã tắc, đường 32 cũng tắc ở đầu Cầu Diễn, Nhổn... Trong khi đó, muốn giảm tải nội đô phải phải phát triển chuỗi đô thị vành đai 4, với nhiều nhà cao tầng để hút dân ra và phải có đường mới làm được điều này.
 
Việc mở trục Thăng Long mang ý nghĩa tầm nhìn. Tôi nói một ví dụ thế này, trước đây làm trục Bắc Thăng Long - Nội Bài, năm 1992 tôi đi xe máy một mình trên đường, nhưng giờ đã trở nên trật chội…
 
Thưa ông, trục Thăng Long kết nối giữa trung tâm Hà Nội với vùng núi Ba Ba Vì- nơi dự kiến đặt trung tâm hành chính quốc gia. Tuy nhiên, Trung tâm hành chính quốc gia phải sau 2030 mới biết có xây dựng hay không?
 
Vấn đề này, Chính phủ cũng đang lắng nghe ý kiến của Hội đồng nhân dân Thành phố, nhân dân cũng như ý kiến đóng góp của các hiệp hội… Tuy nhiên, trục Thăng Long không phải chỉ để phát triển vùng phía Tây mà là cả vùng phía Bắc nữa, bởi trên trục này sẽ có các trục giao cắt để qua cầu Vĩnh Thịnh lên Vĩnh Phúc, từ đó phát triển khu vực phía Bắc, của Vùng Hà Nội.
 
Chưa chốt địa điểm đặt trung tâm hành chính quốc gia mới - 1
Ông Nguyễn Đình Toàn: Không thể nói trục Thăng Long là lãng phí
 
Trục cũng sẽ kéo dài ra, phục vụ phát triển khu vực có nguồn đất dự trữ cho Trung tâm hành chính quốc gia mới, khu văn hóa Đồng Mô… Tóm lại, trục sẽ tham gia vào phát triển vùng kinh tế phía Tây, giảm sự chênh lệch phát triển giữa đô thị trung tâm với các vùng ngoại ô.
 
Như vậy, Hà Nội sẽ phát triển mạnh hệ thống giao thông tuyến Đông - Tây lên, bởi hiện nay, đường Láng Hòa Lạc là không đủ.
 
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, việc có một trục giao thông hiện đại, thẳng tắp từ Ba Vì đến Ba Đình sẽ giống như một mũi tên găm vào trung tâm đô thị lõi?
 
Trên thế giới, tại Trung Quốc đã có trục Nam Xa dài 16km hướng thẳng vào Tử Cấm Thành. Ngang qua Tử Cấm Thành còn có trục Trường An dài 46km chạy ra ngoại ô. Còn ở Việt Nam, thời nhà Nguyễn cũng đã làm một trục Thần đạo từ Cột cờ đâm thằng vào Đại Nội - Huế và hướng ra Đàn Nam Giao (nay là đường Điện Biên Phủ). Thủ đô một số nước khác cũng có những trục như vậy: trục Oa Sinh Tơn (Mỹ), hay trục trung tâm Champs - Elysées (Paris, Pháp).
 
Chưa chốt địa điểm đặt trung tâm hành chính quốc gia mới - 2
Quy hoạch chung đang thu hút sự quan tâm của nhiều người
 
Cả một đô thị lớn hơn 3.300 km2 như Hà Nội cần phải có những trục lớn, mạnh vừa để phát triển kinh tế-xã hội, vừa để phục vụ giao thông, vừa kết nối văn hóa xứ Đoài với Thăng Long.
 
Để làm được trục Thăng Long chúng ta phải bỏ ra một nguồn kinh phí rát lớn và phải chăng nguồn vốn đó sẽ lấy từ đất đai?
 
Trục Thăng Long có vai trò rất quan trọng, mở ra hướng phát triển cả một vùng rộng lớn từ phía Tây sang phía Bắc. Còn về kinh phí sẽ có thể huy động từ nhiều nguồn BT, BOT… Sau khi thống nhất chủ trương, Chính phủ sẽ bàn với Thành phố Hà Nội về vấn đề kinh phí. Chắc chắn chúng ta sẽ không sử dụng vốn ngân sách 100%.
 
Được biết, hiện tư vấn đang đặt ra 2 phương án đặt Trung tâm hành chính quốc gia sau năm 2030 là chân núi Ba Vì và phía Bắc Hoà Lạc. Vậy đến lúc này, những người làm đồ án đã chốt phương án để trình Quốc hội vào tháng 5 tới chưa ông?
 
Vấn đề này chúng tôi vẫn đang tiếp tục xin ý kiến, tuy nhiên định hướng sẽ là ở vị trí kết thúc trục Thăng Long. Về trục Thăng Long, trong hai phương án cong và thẳng, phương án trục thẳng tỏ ra tối ưu hơn. Điểm cuối của trục này sẽ gặp đường 21 từ đó chia thành hai nhánh quanh Hồ Đồng Mô.
 
Tư vấn đã đặt vấn đề mở đường hầm qua sông Hồng, vậy đến thời điểm này vị trí mở đường hầm được xác định cụ thể chưa?
 
Vấn đề này chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu.
 
Cũng liên quan tới quy hoạch chung, mới đây Hà Nội đã kiến nghị với Thủ tướng cho phép tiếp tục các dự án cao ốc ở khung trung tâm mà đã được cấp phép xây dựng hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và quy mô công trình, chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc, đã phê duyệt quy hoạch chi tiết... kể từ 31/12/2009 trở về trước. Ông có ý kiến gì về đề xuất này?
 
Tới đây sẽ có sự phối hợp giữa Bộ Xây dựng và Hà Nội để làm lại quy hoạch lại các vị trí cao tầng, các điểm nhấn…
 
Xin cảm ơn ông!
 
Cấn Cường (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm