Chưa cần đặt nặng vấn đề giảm phát
(Dân trí) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 “âm” 0,19%, khiến giới chuyên gia lo ngại giảm phát sẽ dẫn tới nguy cơ thiểu phát. Nhưng theo TS. Cao Sỹ Kiêm “chúng ta chưa cần đặt nặng vấn đề giảm phát vì cứu nền kinh tế đồng nghĩa cứu cả giảm phát và lạm phát”.
Lãi suất cơ bản được giảm xuống 13%/năm, tạo tiền đề cho các ngân hàng giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với các doanh nghiệp trong việc tạo nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, thưa ông?
Đây là dấu hiệu rất tích cực, thể hiện xu hướng chỉ đạo của Chính phủ là khi lạm phát giảm xuống thì phải điều chỉnh để "cứu" sản xuất, kể cả lãi suất cơ bản, lãi suất tiền gửi và đặc biệt là lãi suất cho vay. Điều này góp phần giúp doanh nghiệp bớt khó khăn.
Tuy nhiên, cũng rất cần chú ý việc nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lạm phát cao thì việc cho vay phải được kiểm soát chặt chẽ, đưa vốn vào chỗ tạo ra của cải hàng hoá để chống lạm phát.
Lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng được điều chỉnh giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh?
Chúng ta không thể đòi hỏi mọi thứ ngay lập tức được. Khi khả năng thanh khoản tốt lên thì các tổ chức tín dụng càng cần cho vay những đơn vị làm ăn có hiệu quả. Bản thân các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng cần tính toán kỹ tới hiệu quả vay vốn.
Khi hai điều trên được thực hiện thì sẽ tạo sức mạnh mới cho việc chống lạm phát và ngược lại, "anh" cần vốn lại không có, "anh" có lại sử dụng lãng phí thì lạm phát lại tăng.
Có nghĩa lãi suất cơ bản cần được giảm xuống nữa, thưa ông?
Chúng ta cũng không thể giảm nhanh lãi suất cơ bản xuống, bởi điều này sẽ mâu thuẫn với việc chống lạm phát: lãi suất cơ bản giảm nhanh sẽ làm giảm khả năng huy động vốn, từ đó tiền không hút về được.
Khi lạm phát không chống được thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và vòng sau của nó sẽ đẩy lãi suất lên chứ không phải giảm lãi suất xuống.
Cuộc khủng hoảng tài chính khiến kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, làm giảm giá và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ đạo của Việt Nam.
Do đó, khi điều chỉnh chính sách tiền tệ, các nhà hoạch định chính sách phải rất chú ý tới những điều này, cần linh hoạt khi có những diễn biến trái chiều không phù hợp thì chúng ta phải điều chỉnh ngay.
CPI tháng 10 “âm” 0,19% so với tháng trước, doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất kinh doanh, trong khi ngân hàng lại khó cho vay. Theo ý kiến của ông, mức tăng trưởng 6,5% dự kiến sẽ như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Nếu GDP giảm sẽ dẫn đến sản xuất trì trệ, làm giảm sức mua. Với mức tăng trưởng dự kiến 6,5%, Việt Nam vẫn đảm bảo tạo ra việc làm, thu nhập, tiêu dùng.
Theo tôi, chúng ta chưa cần đặt nặng vấn đề giảm phát vì cứu nền kinh tế đồng nghĩa cứu cả giảm phát và lạm phát. Nếu cứu các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có điều kiện phát triển thì sẽ góp phần tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập và khi đó nhiều vấn đề cơ bản sẽ được giải quyết.
- Xin cảm ơn ông!
An Hạ