1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chưa bị xử phạt, doanh nghiệp vận tải có cớ làm ngơ "hộp đen"?

(Dân trí) - Từ 1/7/2013, quy định xử phạt phương tiện “thiếu” thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) mới có hiệu lực, đó cũng chính là cái cớ để nhiều doanh nghiệp vận tải vin vào làm ngơ trong việc lắp đặt và đảm bảo chất lượng hoạt động của loại thiết bị này.

Việc 90% hộp đen vừa lắp đã hỏng được ghi nhận mới đây khiến không ít người phải giật mình. Và cho đến nay, tình hình này vẫn chưa mấy sáng sủa, thậm chí các đơn vị vận tải còn tỏ ra không mấy bận tâm về việc hộp đen lắp rồi sẽ hoạt động như thế nào.

Anh Lương (tài xế lái xe của doanh nghiệp vận tải M.H) cho biết: “Việc của tôi là lái xe nên tôi cứ thế mà làm, còn việc lắp và duy trì hộp đen là của chủ xe. Khi đi xe tôi cũng không quan tâm lắm đến chất lượng của thiết bị, trừ khi nó hỏng thì báo cho chủ xe sửa, còn bao giờ sửa và sửa như thế nào cũng là việc của chủ xe”.
 
Hộp đen giám sát hành trình bắt buộc phải lắp đặt trên phương tiện vận tải
"Hộp đen" giám sát hành trình bắt buộc phải lắp đặt trên phương tiện vận tải

Theo cơ quan chức năng, ở nước ta, số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ, xe ít, hợp tác xã có từ 5-7 xe chiếm tỷ lệ lớn nên thường chưa quản lý tập trung, quản lý khoán là chính. Các đơn vị này nhận thức chưa đầy đủ về yêu cầu của Nhà nước về lắp hộp đen và tự thân doanh nghiệp cũng chưa thấy tính cấp thiết của thiết bị để phục vụ kinh doanh nên họ chưa thực hiện đầy đủ và sử dụng thiết bị hữu hiệu.

Bởi thế, việc lắp đặt hộp đen mới chỉ thực hiện được ít thời gian, nhưng các doanh nghiệp vận tải đã thi nhau than vãn rằng chất lượng hộp đen có vấn đề. Tuy nhiên, vấn đề của hộp đen ở đâu, cách xử lý vấn đề đó như thế nào thì chính họ lại không “nhiệt tình” tìm hiểu để giải quyết.

Đại diện Hợp tác xã vận tải T.L cho hay: “Yêu cầu lắp đặt từ 1/7/2012 thì chúng tôi đã làm, lắp vào thấy nó chạy thì nghĩ là tốt, nhưng chúng tôi chỉ biết đi mua thiết bị chứ có chuyên môn gì về thiết bị đó đâu mà biết được chất lượng thật của nó như thế nào, đến khi hỏng hóc xảy ra thì cũng đành chịu”.

Trong khi đó, đại diện một công ty vận tải khác thừa nhận: “Quy định lắp từ 1/7/2012 nhưng nếu có vấn đề gì thì 1 năm sau mới bị phạt (1/7/2013) nên cũng không có gì quá lo lắng và vẫn còn thời gian để làm những việc cần làm. Đây là tình hình chung của hầu hết các đơn vị vận tải, nên nếu khi kiểm tra bảo thiếu hộp đen sẽ rút phép kinh doanh thì cơ quan chức năng cũng không thể rút phép của tất cả các doanh nghiệp được”.

Ở góc độ thị trường cung ứng thiết bị, theo ghi nhận của PV Dân trí, ngoài hơn 30 sản phẩm hợp quy được cơ quan chuyên trách công nhận thì còn có rất nhiều loại thiết bị trôi nổi khác được bán tràn lan.

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật về “hộp đen” trong đó yêu cầu 5 thông tin cơ bản để phục vụ quản lý, gồm: hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, tình trạng khi xe đang chạy, thời gian lái xe. Tuy nhiên, các đơn vị cung ứng có thể theo yêu cầu của doanh nghiệp vận tải để lắp thêm một số phụ kiện với những tiêu chí khác như: mức tiêu hao nhiên liệu, số lượng hành khách trên xe...
 
Nhiều đơn vị vận tải đang cố tình làm ngơ với hộp đen do quy định xử phạt
Nhiều đơn vị vận tải đang cố tình làm ngơ với hộp đen do quy định xử phạt đến 1/7/2013 mới được áp dụng

Lý giải về sự "thờ ơ" đối với thiết bị hiện nay, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thừa nhận: “Việc quản lý hoạt động của phương tiện vẫn chưa được các đơn vị vận tải thật sự để ý và quan tâm đến. Bên cạnh đó, do quản lý Nhà nước chưa bắt buộc mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng đủ 5 tiêu chí theo quy chuẩn thiết bị, vì thế có chuyện các doanh nghiệp vận tải lắp hộp đen chỉ để đối phó.”

Theo ông Quyền, việc xây dựng trung tâm quản lý thông tin chung để theo dõi thiết bị là chủ trương đã được Tổng Cục đường bộ đề xuất và tiến tới xây dựng trong đó thông tin về hộp đen là 1 trong những trung tâm thông tin. Phần mềm cơ sở dữ liệu bao gồm nhiều hoạt động nên sẽ là rất lớn. Và để xây dựng dữ liệu chung đó cũng phải trang bị hạ tầng kỹ thuật cho các Sở, các bến xe… Nếu triển khai tích cực và kinh phí có được nhanh nhất cũng phải mất 2 năm mới có thể có trung tâm quản lý thông tin chung.

Trên thực tế, hộp đen là thiết bị giám sát trực tiếp trong hoạt động vận tải đường bộ, nhưng hiện Luật giao thông không có quy định nào về chế tài xử phạt đối với những doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thiết bị không đạt chuẩn, việc xử phạt nếu có sẽ phải chiếu theo Luật Thương mại hoặc các Luật khác. Còn đối với việc xử phạt phương tiện thiếu “hộp đen” thì theo lộ trình phải đến tháng 7/2013 mới bắt đầu, đó cũng mới là lúc có thể xác định được trách nhiệm rõ ràng hơn.
 
Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2011, tất cả ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa có cự ly tuyến trên 500 km bắt buộc phải lắp hộp đen; các xe khách đường dài trên 300 km sẽ phải lắp hộp đen từ ngày 1/1/2012; tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container bắt buộc phải lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của thiết bị giám sát hành trình bắt đầu từ ngày 1/7/2012.
 
Từ ngày 1/7/2013, nếu thiếu hộp đen, phương tiện sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt từ 2-3 triệu đồng/lần.

Quỳnh Anh