“Chưa bao giờ việc lựa chọn nhân sự Trung ương được nói rõ như lần này”
(Dân trí) - “Quá trình làm trong sạch Đảng, giới thiệu nhân sự khóa tới là việc khó. Thế nhưng tinh thần kiên quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khiến người có dấu hiệu này, dấu hiệu khác phải đặt tay lên trán suy nghĩ”, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nói.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - chia sẻ với phóng viên Dân trí những vấn đề liên quan đến phương hướng trong công tác nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII vừa được Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đặt ra.
Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều người đã bày tỏ cảm xúc vui mừng với bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, khi Tổng Bí thư nhấn mạnh phương hướng công tác nhân sự khóa tới sẽ quyết không để lọt vào Trung ương những người có khuyết điểm như tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tư tưởng cục bộ… Thế nhưng cử tri cũng cho rằng, đạt được mục tiêu đó là điều rất khó, thưa ông?
Bản thân tôi cũng như cử tri rất lo lắng, luôn tự đặt câu hỏi làm thế nào để đạt được mục tiêu đó. Thế nhưng tôi vẫn có niềm tin, vì Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để đặt ra phương hướng rất cụ thể trong công tác nhận sự khóa tới. Cá nhân tôi đã dự nhiều kỳ Đại hội nhưng thực sự thấy rằng chưa bao giờ việc chọn nhân sự lại được nói rõ, nói thẳng như lần này.
Tuy từ quyết tâm đến hành động còn có khoảng cách nhưng cũng rất đáng mừng vì vấn đề đã được đặt ra công khai, không chỉ cho đảng viên mà toàn dân được biết để cùng giám sát, không để những người còn thiếu phẩm chất, tư cách “lọt” vào cấp ủy các cấp, đặc biệt là vào cơ quan lãnh đạo tối cao.
Vậy làm cách nào để ngăn những người có khuyết điểm “lọt” vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII?
Muốn chọn được những người đủ tiêu chuẩn vào Ban Chấp hành Trung ương khóa tới trước tiên phải xem tiêu chuẩn của những người đi chọn nhân sự. Quyết không để những người tiêu cực đi chọn người tích cực. Tới đây, những người đi lựa chọn nhân sự có thể nghỉ hoặc tiếp tục nhưng họ phải gương mẫu làm cho được tiêu chuẩn Hội nghị Trung ương đã đặt ra. Điều quan trọng nữa là phải dựa vào dân, các tổ chức xã hội. Muốn bầu ai, chọn ai vào Trung ương cũng phải hỏi ý kiến nhân dân.
Bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến việc không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có khuyết điểm như phe cánh, lợi ích nhóm. Ông đánh giá thế nào quyết tâm này?
Đúng như trong Hội nghị vừa qua đã nhắc đến vấn đề lợi ích nhóm là những biểu hiện xấu, kết bè kết cánh với nhau. Để ngăn chặn vấn đề này, thứ nhất, những đồng chí kiên trung của Trung ương Đảng phải nghiêm chỉnh vạch ra người có biểu hiện đó. Thứ hai, phải dựa vào dân để chỉ ra những người có khuyết điểm. Như trong quá trình tôi công tác ở Trung ương đã chứng kiến những bức thư phản ánh của cựu chiến binh, lão thành cách mạng… giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện, ngăn chặn kịp thời biểu hiện bè phái, vận động, tiêu cực cá nhân.
Tôi biết quá trình làm trong sạch Đảng và giới thiệu nhân sự khóa tới là việc khó. Thế nhưng với tinh thần kiên quyết của Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, những người có dấu hiệu này, dấu hiệu khác cũng phải đặt tay lên trán mà suy nghĩ.
Ở thời của tôi tất nhiên cũng có chuyện vận động người này, người kia nhưng chuyện đó không thể hiện rõ. Còn các vụ việc mất đoàn kết ở các tỉnh, khi Ủy ban Kiểm tra vào cuộc giải quyết, thấy rằng điều đó thường xảy ra giữa nhóm này với nhóm kia. Nhưng khi để xảy ra mất đoàn kết thì tất cả đều phải chịu trách nhiệm. Nhiều nơi sau đó đã rút ra bài học “phải trái phân minh - nghĩa tình trọn vẹn”.Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành trung ương Đảng khoá XI. (Ảnh AFP)
Ban Chấp hành Trung ương cũng kiên quyết không để lọt những người có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc vào Trung ương khóa tới. Nhưng nếu trong thực tế có thể có những người nguỵ trang, che chắn rất tinh vi, khó phát hiện?
Tôi nghĩ không có gì khó, vì như cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Trong quá trình lựa chọn nhân sự, tôi quan niệm nếu biết dựa vào dân sẽ phát hiện ra hết vấn đề. Nếu có những địa chỉ tin cậy, công khai đường dây nóng thì nhiều người không cần một đồng bồi dưỡng cũng góp công sức chỉ ra những người có khuyết điểm.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, theo ông vấn đề quan trọng nhất khi lựa chọn nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng là gì?
Quan trọng nhất là phải tìm được những người toàn tâm, toàn ý vì nước, vì dân. Quá trình lựa chọn nhân sự phải loại cho bằng được sâu, mọt. Sâu, mọt ở cấp thấp đã làm khổ dân rồi, sâu mọt ở cấp cao thì lại càng nguy hiểm. Và khi đã chỉ ra được tồn tại rồi thì phải tập trung giải quyết vấn đề đó.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)