1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chưa ai lường hết những vấn đề phát sinh của blog

(Dân trí) - “Tôi nghĩ cái gì khó cũng có cách quản lí được... Vấn đề cơ bản là chúng ta nghiên cứu như thế nào cho sát với tình hình thực tế ở Việt Nam để đưa ra các quy định phù hợp” - bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói về vấn đề quản lí blog.

Bên lề kì họp thường vụ Quốc hội, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh: Quản lí Internet rất phức tạp. Nếu nhà nước có thể lường được hết những phát sinh trong quản lí thì vấn đề đó rất đơn giản. Nhưng thực ra có nhiều việc không thể lường hết trong quá trình phát triển của Internet.

Blog là một trong những vấn đề mới và có nhiều ý kiến là phải quản lí, nhưng quản lí như thế nào. Về góc độ quản lí Nhà nước thì mình chưa lường hết những góc độ của nó.

Cũng có những ảnh hưởng rất tốt của blog, ví dụ như nhiều câu chuyện đưa lên blog được nhiều người đọc và chia sẻ. Thậm chí, có những blog có hàng triệu người vào, có tác dụng rất tích cực. Nhưng cũng qua blog có những chuyện tiêu cực: người ta không vào đó để giải bày những tâm tư của cá nhân họ mà lại liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân khác.  

Theo bà có cần thiết phải ra một luật quản lí blog không?

Trên thực tế các cơ quan quản lí chưa đưa những vấn đề đó ra Quốc hội. Tôi nghĩ hiện nay nó đang ở trong một phạm vi hẹp, nhưng tất nhiên mức độ tác động rất lớn, vì đã phát tán trên Internet thì có hàng triệu người đọc. Nó vẫn đang ở dạng điều chỉnh bằng văn bản dưới luật. Còn sau này khi nó điều chỉnh một mối quan hệ xã hội đủ rộng thì mới cho ra luật.  

Thưa bà, chúng ta vẫn thiếu những cơ sở cho việc quản lí blog và chưa có chế tài xử lí trong những trường hợp xâm phạm cá nhân người khác ?

Hiên nay, Luật Báo chí cũng đã có quy định cơ sở về vấn đề quản lí Internet. Với vấn đề quản lí blog phải nghiên cứu thêm để phù hợp với tình hình hiện nay.

Nhưng cũng phải nói rằng, khi anh viết và động vào những cá nhân người khác thì vi phạm vào luật dân sự. Khi đó phải căn cứ vào luật dân sự xem xét các mức đánh giá khác nhau để xử lí.

Bà có thể nói rõ hơn về khía cạnh luật báo chí là cơ sở để chúng ta tham khảo khi quản lí blog?

Theo Luật Báo chí, khi đưa ra những thông tin tiêu cực, ảnh hưởng đến người khác thì vẫn có chế tài. Tôi nghĩ đó là những cơ sở rất tốt để nghiên cứu quản lí blog nói riêng. 

Bà có nghĩ rằng, mức độ quản lí blog khó tựa như quản lí karaoke, nhà hàng không? 

Tôi nghĩ cái gì khó cũng có cách quản lí được và trên thực tế các nước quản lí được chúng ta cũng quản lí được. Vấn đề cơ bản là chúng ta nghiên cứu như thế nào cho sát với tình hình thực tế ở Việt Nam để đưa ra các quy định phù hợp.

Xin cảm ơn bà!

Kim Tân (ghi)