1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Chưa ai bị xử phạt nồng độ cồn mà nói uống siro hay ăn hoa quả”

(Dân trí) - Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội - cho biết: “Trong 7 ngày xử lý vi phạm nồng độ cồn, chưa có trường hợp nào phản ứng lại khi bị phát hiện có nồng độ cồn mà cho rằng mình uống siro hay ăn hoa quả”.

Chiều nay (9/1), cuộc tọa đàm về những quy định mới trong phòng chống tác hại của rượu bia và tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ-đường sắt đã thu hút nhiều ý kiến bình luận.

“Chưa ai bị xử phạt nồng độ cồn mà nói uống siro hay ăn hoa quả” - 1
Tọa đàm về những quy định mới trong phòng chống tác hại của rượu bia và tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông

Thiếu tá Đào Việt Long thông tin, trong 7 ngày, CSGT Hà Nội đã xử lý 84 trường hợp tham gia giao thông sử dụng rượu bia, 18 trường hợp xử phạt kịch khung.

“Hiện tại, toàn địa bàn thành phố Hà Nội chưa có trường hợp nào phản ứng lại khi bị phát hiện có nồng độ cồn mà cho rằng mình uống siro hay ăn hoa quả” - Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội nói..

Cũng theo lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội, việc xử lý không chỉ với hành vi uống rượu, bia mà với hành vi khác, công dân có quyền khiếu kiện, giải trình hành vi của mình với CSGT. Nhiều người hỏi làm thế nào để chứng minh người uống rượu bia, liệu có trường hợp chở người uống rượu mà người chở có nồng độ cồn?

“Phải xác định người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia hay không, nếu bạn chấp hành nghiêm tất cả quy định của Luật Giao thông đường bộ thì lực lượng chức năng sẽ không bao giờ xử lý bạn. Người dân hoàn toàn có quyền thổi lại nồng độ cồn lần thứ 2 nếu có yêu cầu và muốn chứng minh tôi không uống rượu bia” - Thiếu tá Đào Việt Long cho hay. 

“Chưa ai bị xử phạt nồng độ cồn mà nói uống siro hay ăn hoa quả” - 2
Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP.Hà Nội

Về phía Bộ Y tế, trả lời về trách nhiệm trong việc hướng dẫn người dân để họ không vô tình phạm luật khi họ ăn thực phẩm, hoa quả có cồn, bà Trần Thị Xuân Hằng - Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho biết Bộ này đã chia sẻ rất nhiều.

“Theo các chuyên gia về y tế, lượng cồn trong hoa quả hiện nay như sầu riêng và vải rất ít, khi ăn xong thì không còn trong hơi thở nữa” – bà Hằng thông tin.

Đại diện Bộ Y tế cũng nhấn mạnh: “nếu sử dụng số lượng hoa quả đến mức vượt qua mức 0, chuyên gia khuyên sau 15 - 20 phút hãy điều khiển phương tiện giao thông. Còn nếu bị thổi nồng độ cồn, như anh Long nói, có thể yêu cầu thổi lại lần 2, sau 15 phút”.

Bà Hằng cho biết, mức độ đào thải cồn ra khỏi cơ thể tuỳ từng người, nhưng mức chung với nam giới khoảng 2 - 3 giờ để đào thải 1 đơn vị cồn. Với nữ giới khoảng 3 - 4 giờ.

“Tuy nhiên, đây cũng chỉ là mức khuyến cáo. Người dân có thể tính toán tương đối trước khi quyết định tham gia giao thông” - bà Hằng nói.

“Chưa ai bị xử phạt nồng độ cồn mà nói uống siro hay ăn hoa quả” - 3
Bà Trần Thị Xuân Hằng - Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trong trong 7 ngày đầu tiên thực hiện Nghị định 100, ở Hà Nội đã giảm được 11 vụ TNGT, giảm 9 người chết. Trong khi đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, so với 6 ngày này năm trước, mỗi ngày giảm 4 vụ TNGT chết người.

“Lần đầu tiên trong 10 năm, 1 tuần giảm được như vậy ở Hà Nội. Nghị định 100 và Luật Phòng chống tác hại rượu bia có rất nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đây cũng là điều đáng mừng vì mọi người đã quan tâm đến nó” - lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội nhấn mạnh.

Châu Như Quỳnh