1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ tịch xã “ỉm” hơn 400 triệu tiền đền bù của dân suốt nhiều năm?

(Dân trí) - Nhiều hộ dân có diện tích đất sản xuất bị thu hồi để thực hiện dự án công ty may đã được thỏa thuận đền bù hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, số tiền này vẫn chưa đến tay dân.

Theo phản ánh của người dân thôn 9, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), 5 hộ dân thuộc xã Hoằng Ngọc có diện tích ruộng xen canh trên địa bàn xã Hoằng Đạo chậm được nhận tiền đền bù đất từ năm 2015.

Chủ tịch xã “ỉm” hơn 400 triệu tiền đền bù của dân suốt nhiều năm? - 1

Tiền đền bù đất của dân được chủ đầu tư thanh toán từ năm 2015.

Cụ thể, vào năm 2015, Công ty cổ phần may Thịnh Vượng có dự án trên địa bàn xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa. Nhiều hộ dân xã Hoằng Ngọc có diện tích xen canh tại khu vực thuộc dự án của Công ty cổ phần may Thịnh Vượng đã được thỏa thuận đền bù để giao lại đất cho dự án.

Nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án đã được nhận tiền đền bù. Tuy nhiên, có 5 hộ dân thôn 9, xã Hoằng Ngọc với tổng diện tích 3.800m2 đất xen canh trên địa bàn xã Hoằng Đạo, đã được phía nhà đầu tư tiến hành thanh toán tiền đất cho dân.

Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, đã nhiều lần người dân phản ánh đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng về vấn đề này nhưng chậm được giải quyết.

Bà Lê Thị Tuyết (86 tuổi) là vợ liệt sĩ, cho biết, ngày trước, gia đình bà được chia 4 sào ruộng. “Tôi không có nợ, giờ ghi có nợ thì là nợ thôi chứ có biết gì đâu. Năm 1993 khi chia lại ruộng, tôi bị cắt đi 1 sào. Nhưng đến khi lập hồ sơ người nhận tiền đền bù thì 1 sào ruộng bị cắt của tôi vẫn có trong diện tích được nhận tiền”, bà Tuyết cho biết.

Chủ tịch xã “ỉm” hơn 400 triệu tiền đền bù của dân suốt nhiều năm? - 2

Bà Lê Thị Tuyết cũng không hiểu vì sao ruộng của mình được cấp theo chế độ bị cắt mất 1 sào mà số ruộng này vẫn có trong danh sách được đền bù, nhưng tiền thì bà chưa được nhận.

Trong khi đó, cũng theo phản ánh của người dân địa phương, ngoài việc đền bù tiền đất, người dân còn được hỗ trợ gạo. Tuy nhiên, số gạo hỗ trợ lại không đến tay người dân.

Cũng theo phản ánh của chị Bùi Thị Xuân, gia đình chị bị thu hồi 2 sào ruộng, nhiều năm qua chưa nhận được tiền đền bù cũng như gạo hỗ trợ.

Theo biên bản bàn giao diện tích gác nợ năm 1988 về trước và năm 1989 - 1992 và số tiền bồi thường hỗ trợ trên diện tích gác nợ, được lập ngày 24/12/2015 có nội dung: Trong thời gian đổi điền dồn ruộng lần 2, UBND xã Hoằng Ngọc giao trách nhiệm cho thôn 9 triển khai, vận động những hộ có nợ từ năm 1988 về trước và năm 1989 - 1992, có kế hoạch thanh toán nợ nhận lại số diện tích tạm gác.

Thực hiện kế hoạch của UBND huyện Hoằng Hóa cho phép Công ty cổ phần may Thịnh Vượng thực hiện dự án tại địa điểm Hoằng Đạo, trong đó có diện tích đất của 5 hộ dân nêu trên.

Chủ tịch xã “ỉm” hơn 400 triệu tiền đền bù của dân suốt nhiều năm? - 3

Cán bộ xã nhận tiền đền bù đất từ năm 2015 nhưng lại không chi trả cho dân.

UBND xã Hoằng Ngọc chỉ đạo cán bộ địa chính xã phối hợp với Ban chấp hành thôn 9 tổng hợp diện tích, đồng thời vận động 5 hộ tiến hành làm thủ tục hồ sơ nhận tiền trên diện tích quy hoạch.

Điều lạ là sau đó, số tiền đền bù của 5 hộ dân này không được chi trả cho người dân mà lại được bàn giao cho UBND xã Hoằng Ngọc. Người nhận 442.017.000 đồng tiền đền bù của 5 hộ dân thời điểm đó là ông Trương Thanh Thụ, cán bộ Địa chính xã Hoằng Ngọc.

Theo tố cáo của người dân, ông Bùi Ngọc Châu, Chủ tịch UBND xã Hoằng Hải (thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc) đã lấy số tiền trên để sử dụng vào mục đích cá nhân. Đến cuối năm 2018, người dân phát hiện và đưa ra chất vấn tại cuộc họp tiếp xúc cử tri.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, sau nhiều năm phản ánh, ngày 22/2/2019, 5 hộ dân này đã được mời đến UBND xã Hoằng Ngọc để thống nhất nội dung giải quyết đất tại khu vực Đồng Thần, xã Hoằng Đạo.

Chủ tịch xã “ỉm” hơn 400 triệu tiền đền bù của dân suốt nhiều năm? - 4
Sau nhiều năm, mới đây, xã Hoằng Ngọc phát giấy mời người dân đến giải quyết.

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc về nội dung trên, ông Dũng cho biết, vấn đề này thu để đầu tư xây dựng cơ bản cho các thôn. Tuy nhiên, trước câu hỏi tại sao lại thu tiền của dân để đầu tư xây dựng cơ bản, ông Dũng cho biết, dân hiến đất để xây dựng nông thôn mới.

Tiếp đó, phóng viên đặt câu hỏi về việc vì sao tiền đền bù từ năm 2015 đến nay nhiều hộ dân mới được mời đến nhận, ông Dũng cho biết: “Đất xen canh nằm bên xã Hoằng Đạo giờ mới tìm ra”. Mặc dù nhiều vấn đề chưa được làm rõ nhưng ông Dũng cáo bận và dừng cuộc trao đổi.

Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề trên đến bạn đọc.

Duy Tuyên