Chủ tịch Vietnam Airlines hưởng lương 33 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines sẽ nhận lương 33 triệu đồng/tháng, Tổng Giám đốc là 32 triệu đồng/tháng. Mức lương này đã được thông qua tại Đại hội Cổ đông lần thứ nhất diễn ra hôm nay (12/3). Vietnam Airlines sẽ chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (CTCP) từ ngày 1/4 tới đây.
Với sự tham gia của 7.580 cổ đông, Đại hội Cổ đông lần thứ nhất Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thống thống bầu ông Phạm Viết Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vietnam Airlines giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Vietnam Airlines - CTCP.
Ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc đương nhiệm của Vietnam Airlines trúng cử chức danh thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - CTCP. 3 nhân sự khác là ông Lưu Văn Hạnh, Nguyễn Huy Tráng và ông Nguyễn Xuân Minh trúng cử vào HĐQT Vietnam Airlines - CTCP.
Như vậy, danh sách lãnh đạo cấp cao của Vietnam Airlines được Bộ Giao thông Vận tải “chốt” và giao đại diện phần vốn Nhà nước trước đó tại Tổng Công ty này đều được thông qua với sự biểu quyết của các cổ đông tại Đại hội.
Vietnam Airlines sẽ chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/4/2015. Tại Đại hội, các cổ đông cũng thông qua quỹ tiền lương của HĐQT và Ban Kiểm soát. Theo đó, mức tiền lương và cơ chế xác định được áp dụng Tổng Công ty đặc biệt, lương của Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Phạm Viết Thanh được hưởng là 33 triệu đồng/tháng, lương của Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Minh là 32 triệu đồng/tháng, thành viên HĐQT là 29 triệu/tháng. Tạm ứng tiền lương hàng tháng là 80% lương kế hoạch.
Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động đã được Đại hội cổ đông thông qua, Vietnam Airlines có vốn điều lệ hơn 11.198 tỷ đồng. Trong số này, cổ phần Nhà nước nắm giữ là 94,443%; cổ phần ưu đãi bán cho cán bộ công nhân viên là 1,121%; cổ phần ưu đãi bán cho tổ chức công đoàn là 0,063% và cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường là 4,373%.
Hiện thực hóa mục tiêu hàng không 4 sao
Vietnam Airlines đặt ra mục tiêu trở thành hãng hàng không 4 sao trong năm 2015, chất lượng sản phẩm và dịch vụ của Vietnam Airlines thuộc loại khá trong khu vực, mang bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Đến năm 2020, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng khôngđược ưa chuộng ở châu Á về chất lượng dịch vụ trên không và mặt đất.
Cũng trong năm nay, Vietnam Airlines sẽ chi hơn 21,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 92,3% tổng vốn đầu tư 2015) để đầu tư cho đội tàu bay. Vietnam Airlines sẽ nhận 12 tàu bay mới. Từ tháng 5/2015, Vietnam Airlines sẽ chính thức khai thác 2 dòng máy bay thân rộng thế hệ mới, hiện đại của thế giới là Airbus A350-900 và Boeing 787-9, và là hãng hàng không đầu tiên ở châu Á đồng thời đưa vào khai thác cùng một lúc hai loại máy bay này.
Trong 3 năm tới, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển khoảng 84,9 triệu lượt khách, tăng trưởng 16,1%/năm và hàng hóa đạt 0,976 triệu tấn, tăng trưởng 13,9%; tổng doanh thu đạt 383.674 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ là 293.605 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân hợp nhất đạt 7,13%.
Tại Đại hội Cổ đông này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, cổ phần hóa Vietnam Airlines chính là tiền đề quan trọng giúp hiện đại hóa hãng hàng không, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những hãng hàng không hàng đầu trong khu vực.
“Cổ phần hóa là vấn đề sống còn của Vietnam Airlines, cách nghĩ cách làm phải luôn thể hiện quyết tâm chứ không cổ phần hóa để cho xong hay chỉ như “bình mới rượu cũ”. Sau ĐHCĐ, Vietnam Airlines sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình hoàn toàn mới. Vietnam Airlines cần tiếp tục thoái vốn bằng cách tìm nhà đầu tư chiến lược, tìm đối tác tin cậy nhất, hợp tác tốt nhất, chào bán khoảng 282 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo đúng phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” . Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đề nghị Vietnam Airlines sớm đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Châu Như Quỳnh