1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ tịch TPHCM: Xã hội hóa y tế, giáo dục không khéo dễ bị thổi còi ngay

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng TP đã có đề án đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục nhưng khó khăn hiện nay là các ngành phải có hướng dẫn thực hiện. “Nếu làm không khéo thì bị thổi còi ngay”, ông Phong nói.

Kết quả tinh giản biên chế còn thấp

Ngày 10/6, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã làm việc với UBND TPHCM về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL).

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND TPHCM
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND TPHCM

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết tính đến năm 2016, TP có 1.871 ĐVSNCL, với số lượng nhân sự khoảng 119.000 người. Trong đó, số đơn vị tự chủ hoàn toàn là 172 đơn vị, 1.516 đơn vị tự chủ một phần và 183 đơn vị hoạt động từ nguồn chi ngân sách.

Về tinh giản biên chế, TP đã có kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021), trong đó xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10%. Tuy nhiên, kết quả tinh giản biên chế đến nay đạt tỷ lệ còn thấp.

Để nâng cao chất lượng hoạt động cho các đơn vị, UBND TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ phân cấp cho HĐND TP được quyết định số người làm việc trong các ĐVSNCL của thành phố. Bởi hiện nay, về mặt pháp lý thì Trung ương chưa phân cấp cho HĐND TP được quyết định.

Bên cạnh đó, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ trong các lĩnh giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao.

TPHCM cũng muốn được quyết định tỷ lệ trích nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu của các ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý của thành phố, đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương khi Chính phủ tăng lương theo lộ trình.

Bà Phan Thị Thắng – Giám đốc Sở Tài chính TP – cho biết, tỷ lệ chi thường xuyên của TP dự kiến sẽ giảm từ 53% (năm 2016) xuống còn 48% vào cuối năm nay.

Đến năm 2018, TP sẽ có 55 bệnh viện tự chủ được chi phí thường xuyên. Còn với các trung tâm, trạm y tế thì phải hoàn thiện đầu tư cơ sở vật chất chứ chưa tự chủ được.

Theo bà Thắng, riêng lĩnh vực giáo dục – đào tạo thì hệ thống đơn vị này chiếm 76% tổng số ĐVSNCL trên địa bàn TP. Hiện nay, mới có 0,7% tổng số đơn vị trong lĩnh vực này bảo đảm chi thường xuyên.

“Với số lượng đơn vị sự nghiệp lớn nhưng khó đáp ứng được nhu cầu của người dân khi tăng dân số cơ học mỗi năm là 2,87%”- bà Thắng nói.

Ông Lê Văn Làm - Phó giám đốc Sở Nội vụ TP – cho biết thêm, năm học 2017-2018, TP sẽ tăng khoảng 60.000 học sinh vào lớp 1.

Theo ông Làm, hiện nay, Bộ Nội vụ chưa giao số lượng người làm việc trong lĩnh vực y tế, giáo dục cho TP. Vì vậy, Sở Nội vụ đã tạm giao người về làm việc tại các trường học, bệnh viện để đủ giáo viên, bác sĩ cho các cơ sở mới đầu tư xây dựng.

Hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế

TPHCM cũng đang thí điểm hợp tác công tư (PPP) trong vận hành trạm y tế cấp phường, xã. Vừa qua, UBND quận 3 đã hợp tác với một doanh nghiệp tư nhân trong vận hành trạm Y tế phường 11.

Bày tỏ sự quan tâm về mô hình mới của TP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề cơ chế hợp tác giữa hai bên.

Trạm trưởng trạm Y tế phường 11 cho biết, ngoài việc doanh nghiệp này đầu tư thêm trang thiết bị máy móc thì hai bên còn phối hợp thực hiện y tế dự phòng và khám chữa bệnh theo quy định, cũng như dịch vụ chất lượng cao.

“Chúng tôi không tách bạch công tư ra mà lại hỗ trợ nhau và lợi nhuận thu được qua khám chữa bệnh thì được tái đầu tư cho trạm”, Trạm trưởng trạm y tế phường 11 nói.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, chính quyền không được phân biệt ứng xử nhưng phải rành mạch công - tư trong hợp tác. Qua đó, phân chia nguồn thu cho hợp lý và nghiên cứu xây dựng một pháp nhân cho mô hình hợp tác này.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã có đề án đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục nhưng khó khăn hiện nay là các ngành phải có hướng dẫn thực hiện. “Nếu làm không khéo thì bị thổi còi ngay”, ông Phong trăn trở.

Ông Vương Đình Huệ cho rằng, việc đổi mới, sắp xếp lại ĐVSNCL không phải là cắt giảm cơ học số lượng đơn vị mà là xóa bỏ bất cập, cắt giảm lãng phí ngân sách Nhà nước cấp phát, tinh giản biên chế và mục đích cuối cùng là nâng cao năng lực và chất lượng trong cung ứng dịch vụ công.

“Địa phương cần phải phân loại các dịch vụ hành chính công mà Nhà nước phải trực tiếp thực hiện, dịch vụ nào ĐVSNCL đảm nhiệm và lĩnh vực nào có thể tiến tới giao cho tư nhân tham gia thực hiện”, ông Huệ nói.

Quốc Anh