1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chủ tịch TPHCM nói về giai đoạn lật ngược tình thế với Covid-19

Q.Huy

(Dân trí) - "Trước những tác động, ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, đặc biệt khi làn sóng dịch thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh, thành phố có thời điểm còn bị động", Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận.

TPHCM đã bắt đầu năm 2021 với một khí thế phấn khởi, quyết tâm cao của đầu nhiệm kỳ, tuy nhiên, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch của địa phương kể từ đầu tháng 3. Đó là những chia sẻ của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, khi điểm lại quãng thời gian phòng, chống dịch Covid-19 suốt một năm qua.

Tại buổi họp mặt cán bộ cấp cao nghỉ hưu trên địa bàn đầu năm 2022 diễn ra chiều 18/1, người đứng đầu chính quyền thành phố đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong khoảng thời gian đầu ứng phó với dịch bệnh chưa có tiền lệ, đặc biệt là những điểm chưa thể lường trước của biến chủng Delta. Theo ông Phan Văn Mãi, đây là những nội dung mà thành phố chưa có dịp báo cáo, phân tích chi tiết tại các diễn đàn lớn.

"Trước những tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, đặc biệt khi làn sóng dịch thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh, thành phố có thời điểm còn bị động khi chưa hiểu biết đầy đủ về sự lây lan của biến chủng này và sự ảnh hưởng của nó", Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá.

Thời điểm dịch Covid-19 bộc lộ sự ảnh hưởng

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, với đặc điểm là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, TPHCM đặt ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cao trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong thực tế, thành phố đã đạt nhiều kết quả tốt trong 6 tháng đầu năm.

"Đến quý III, dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, tác động và ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra của TPHCM", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Chủ tịch TPHCM nói về giai đoạn lật ngược tình thế với Covid-19 - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa).

Chủ tịch UBND TPHCM phân tích thêm, khi đó, địa phương chưa có kế hoạch tổng thể đối với từng kịch bản, từng cấp độ dịch. Do vậy, hệ thống chính trị, y tế, đặc biệt tuyến cơ sở có lúc quá tải, thiếu nhiều phương tiện, thiết bị, vaccine, thuốc, dẫn đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 chưa đạt kỳ vọng.

Sau thời gian ban đầu, Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy TPHCM đã xin ý kiến Trung ương, Tổ công tác đặc biệt ở phía Nam, ngành y tế, cơ quan chức năng để nhận diện, đưa ra chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Tiếp theo đó, các biện pháp cấp bách đã được thành phố áp dụng gồm tăng cường lực lượng y tế, công an, quân đội, lấy xã phường làm pháo đài, tổ chức các trạm y tế lưu động với nòng cốt là quân y, chăm lo an sinh cho người dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

"Các việc làm chủ động, sáng tạo của thành phố được Trung ương đánh giá là nhân tố mang tới thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tạo tiền đề khôi phục, phát triển kinh tế thời gian tiếp theo", ông Phan Văn Mãi nói.

Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, các phần việc, vấn đề còn tồn đọng của thành phố đã được tập trung giải quyết, tuy nhiên, vấn đề đã chậm lại trong nửa cuối của năm 2021. 

Chiến lược mới và kỳ vọng cho năm 2022

Trong 6 tháng cuối năm, dịch Covid-19 tác động mạnh khiến tăng trưởng GRDP của thành phố có mức suy giảm sâu nhất sau thời kỳ đổi mới. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cho TPHCM cần tập trung phục hồi, đảm bảo sức khỏe của nền kinh tế trong năm 2022 và thời gian tiếp theo.

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong năm 2021, tuy nhiên, thành phố đã có những điểm sáng trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, thành phố đã thu ngân sách vượt dự toán trong năm qua, 5/9 ngành dịch vụ tăng trưởng dương, hoạt động ngân hàng, xuất khẩu có sự phát triển tốt.

Chủ tịch TPHCM nói về giai đoạn lật ngược tình thế với Covid-19 - 2

TPHCM đặt mục tiêu phục hồi, phát triển nền kinh tế trong năm 2022 (Ảnh: P.N.).

Đặc biệt, TPHCM thu hút đầu tư nước ngoài và có lượng kiều hối gửi về tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh, thành phố đã nhận diện được nguồn lực lớn này và sẽ có chính sách thu hút thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc Quốc hội đồng thuận tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ 18% lên 21% là điều kiện tốt để phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch Covid-19.

Ông Phan Văn Mãi cũng nhắc tới mối đe dọa mới của TPHCM thời gian gần đây là biến chủng mới Omicron với 30 trường hợp đã nhiễm được địa phương ghi nhận. Do vậy, ngành y và cơ quan chức năng của địa phương vẫn kiểm soát hàng ngày, hàng giờ sự xuất hiện của loại biến chủng mới này.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng triển khai chiến lược y tế mới để phục vụ việc phục hồi, phát triển nền kinh tế thời gian tiếp theo. Chiến lược mới của TPHCM gồm 7 giải pháp chiến lược thành phần gồm: Kiểm soát dịch và cảnh báo dịch Covid-19; Chăm sóc F0 tại nhà, tại cộng đồng; Chăm sóc F0 tại bệnh viện; Tiêm vaccine Covid-19; Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi người dân để ứng phó với Covid-19; Nâng cao năng lực phòng, chống dịch, đặc biệt là y tế cơ sở; Chăm sóc sức khỏe, tinh thần hậu Covid-19.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm