Chủ tịch TPHCM: Điều chỉnh hoạt động đời sống theo cấp độ dịch từng địa bàn
(Dân trí) - Chủ tịch TPHCM cho biết địa phương sẽ phân vùng nguy cơ và điều chỉnh các hoạt động theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128. Việc điều chỉnh dựa trên cấp độ dịch của từng địa bàn.
Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, diễn ra sáng 8/11, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đưa ra nhận định, xu hướng của dịch bệnh trên địa bàn là số ca F0 đang tăng. Thời gian tới, thành phố sẽ áp dụng nhiều biện pháp mới trong rà soát, đánh giá dịch bệnh gồm các phần việc cụ thể trong công tác xét nghiệm.
"Chúng ta đang có một kẽ hở là có trường hợp xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 nhưng không khai báo ngay để cách ly. Những người này về chỗ ở rồi mới báo trạm y tế khiến kéo dài thời gian, khả năng tiếp xúc", Chủ tịch UBND TPHCM thông tin.
Kẽ hở trong phòng, chống dịch
Người đứng đầu chính quyền TPHCM nhấn mạnh, kẽ hở này cần sớm được khép lại. Sau khi phát hiện F0, các đội phản ứng nhanh trên các địa bàn cần tiếp cận sớm nhất để hướng dẫn cách xử lý và cấp phát thuốc, giúp ngăn chặn khả năng chuyển nặng, tử vong.
Chủ tịch TPHCM nhìn nhận, các trạm y tế lưu động tại các quận, huyện, phường, xã cần được củng cố lại. Thời gian qua, một số nơi đã cơ bản làm được việc đó, các trạm y tế cơ bản đảm bảo nhân lực theo quy định.
"Vấn đề tiếp theo là thành phố sẽ nghiên cứu hợp đồng, kinh phí cho các trạm y tế lưu động. Một số nơi là điểm nóng, y tế còn khó khăn như huyện Hóc Môn, phương án đưa ra là lực lượng phản ứng nhanh của thành phố sẽ giúp sức cho quận, huyện, đội phản ứng nhanh của quận, huyện giúp sức cho phường, xã", ông Phan Văn Mãi trao đổi.
Đánh giá về hoạt động của mô hình trạm y tế lưu động thời gian qua, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, một số địa phương đã làm tốt, nhưng một số nơi khác cần cải thiện.
Thay đổi cách thức xét nghiệm
Trong công tác xét nghiệm, đánh giá cấp độ dịch, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, địa phương vẫn áp dụng đánh giá hàng tuần, từ cấp cơ sở cho đến quận, huyện và thành phố theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, quyết định 4800 của Bộ Y tế. Song song với đó, TPHCM cũng đối chiếu với các tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
"Việc tham khảo thêm các tiêu chí của WHO nhằm giúp thành phố thực hiện chặt chẽ trong công tác kiểm soát, cảnh báo dịch và nhận định được rõ địa bàn nào dịch Covid-19 có xu hướng tăng lên", Chủ tịch TPHCM cho hay.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ thay đổi cách thức xét nghiệm, đảm bảo quy mô mẫu để kết quả cho độ tin cậy. Cụ thể, TPHCM sẽ lấy mẫu 4 người/100.000 dân và thực hiện liên tục.
"Những trường hợp lấy mẫu là người từ cơ sở y tế, người sống tại ổ dịch, người ở nơi tập trung đông người (nhà máy, siêu thị, xí nghiệp), người về từ vùng có dịch. Từ đó, thành phố sẽ đánh giá được dịch bệnh chính xác hơn và đưa ra cảnh báo", Chủ tịch UBND TPHCM phân tích.
Nhiều ý kiến xung quanh việc cho bán tại chỗ, bán bia, rượu
Trả lời phóng viên về việc cho các hàng, quán bán bia, rượu tại chỗ, ông Phan Văn Mãi cho biết, quan điểm của thành phố là sống thích ứng với dịch. Tuy nhiên, quá trình đi đến việc thích ứng ấy cần thời gian để hoàn thiện, việc mở cửa cần chắc chắn và không thể có trạng thái bình thường như trước.
"Có nhiều ý kiến còn cho rằng hiện nay chưa nên cho bán bia, rượu hay quán ăn phục vụ tại chỗ. Băn khoăn về việc không an toàn khi mở cửa lại là điều chính đáng", ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.
Trong thời gian tới, thông qua việc xét nghiệm, giám sát hàng ngày, thành phố sẽ phân vùng nguy cơ và điều chỉnh các hoạt động theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128. Dự kiến đến ngày 15/11, thành phố sẽ công bố chính thức về các điều chỉnh trong thời gian sau đó.
"Hiện nay, chúng ta không thể có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có giải pháp tốt hơn. Các giải pháp được dựa trên đánh giá giữa được gì và mất gì nếu cho phép hoạt động hoặc không cho phép", người đứng đầu chính quyền thành phố nêu.
Ngoài ra, thành phố sẽ bổ sung thêm các biện pháp trong tuyên truyền nâng cao ý thức, biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, ngoài việc khử khuẩn tay như trước đây, việc súc họng, súc mũi sẽ được khuyến cáo.
"Khi mở lại các hoạt động người dân cần đảm bảo hạn chế tiếp xúc. Trong các hoạt động phòng dịch, điều quan trọng nhất là ý thức, muốn có ý thức thì phải có quy định, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở", Chủ tịch UBND TPHCM phân tích.