1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa: Sẽ xử nghiêm cán bộ kiểm lâm nhận hối lộ

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc đang gây xôn xao dư luận: C48 Bộ Công an bắt quả tang cán bộ kiểm lâm cơ động Thanh Hóa nhận hối lộ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

Sáng ngày 5/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trịnh Văn Chiến - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - bày tỏ quan điểm về vụ việc cán bộ kiểm lâm bị bắt quả tang nhận hối lộ. Theo ông Chiến: "Tỉnh đã yêu cầu kiểm lâm báo cáo vụ việc và bên Chi cục kiểm lâm cũng đã có báo cáo bước đầu. Quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý nghiêm những cá nhân có liên quan, không bao che, dung túng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Hiện vụ việc đang được Bộ Công an và Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp điều tra, làm rõ".

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cũng đã yêu cầu những cán bộ kiểm lâm trong tổ công tác có liên quan đến vụ việc tường trình.

Theo Biên bản làm việc tại Đội kiểm lâm cơ động số 1, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa liên quan đến một số tình tiết vụ việc xảy ra ngày 1/8, Tổ công tác bắt xe ô tô vận chuyển lâm sản trái phép mang biển kiểm soát 37C-060.12 với thành phần tham gia có ông: Lê Văn Hải, Lê Nguyên Chất, Lê Chí Thanh, Đỗ Đình Chung, Nguyễn Xuân Vịnh và Nguyễn Thế Vinh.

Chiếc xe chở gỗ bị Đội kiểm lâm cơ động Thanh Hóa phát hiện và bắt giữ
Chiếc xe chở gỗ bị Đội kiểm lâm cơ động Thanh Hóa phát hiện và bắt giữ

Lúc này, trên xe có 3 người. Tổ công tác phát hiện ngoài số gỗ có giấy tờ hợp pháp, trên chiếc ô tô nói trên còn một số gỗ hương không phù hợp với hồ sơ lâm sản.

Ông Lê Đức Hải  - Trạm trưởng Trạm kiểm lâm thuộc Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 1 - đã chỉ đạo kiểm tra tang vật, ông Nguyễn Xuân Vịnh được phân công áp tải đưa xe về trụ sở Đội kiểm lâm cơ động số 1 để xử lý.

Theo tường trình của ông Đỗ Đình Chung - kiểm lâm viên, thì sau khi cùng các cán bộ kiểm lâm khác đi làm nhiệm vụ, khoảng 13h ngày 1/8, ông Chung về đến đội ăn cơm và nghỉ trưa. Đến khoảng 14h30, ông Chung xuống phòng xử lý để làm việc kiểm tra xe. Tuy nhiên sau khi chủ hàng đến thì ông Lê Đức Hải đã đề nghị những người khác ra ngoài hết, chỉ làm việc với lái xe 37C-060.12 và chủ hàng.

Ông Lê Đức Hải chỉ đạo bốc gỗ xuống đo đếm và lập hồ sơ với khối lượng 1,5m3. Sau đó, ông Chung đi tắm. Khi đang tắm thì có hai người mặc dân sự tự xưng công an nói tắm xong thì ở tại phòng, không được đi đâu.

Còn ông Lê Chí Thanh - kiểm lâm viên - tường trình: sau khi bàn giao công việc, về ăn cơm nghỉ trưa, sau khi ngủ dậy khoảng 15h đi ra ngoài sân thì nhận được nhiệm vụ lấy lời khai của lái xe 37C-060.12…

Theo tường trình của ông Lê Văn Hải - Đội phó Đội Kiểm lâm cơ động số 1, mặc dù không trực tiếp chỉ đạo nhưng ông Lê Đức Hải đã báo cáo phát hiện xe có dấu hiệu vận chuyển lâm sản trái phép. Ông Lê Văn Hải đã chỉ đạo lập biên bản kiểm tra tang vật, phương tiện và xử lý theo quy định.

Ông Lê Văn Hải đã chỉ đạo cho Lê Đức Hải hoàn thiện hồ sơ ban đầu và bàn giao cho cán bộ pháp chế. Cũng theo tường trình của ông Lê Văn Hải thì sau đó ông này đi chỉ đạo xử lý vụ việc đơn vị bắt xe chở động vật.

Khi ông Hải chưa ra đến bãi đỗ xe thì nghe tiếng la hét từ phòng làm việc và phòng xử lý. Ông Hải quay lại đến cầu thang thì có 2 người mặc thường phục đang bắt giữ ông Lê Đức Hải. Sau đó ông Lê Văn Hải và một số cán bộ kiểm lâm khác được yêu cầu về Công an tỉnh Thanh Hóa làm việc.

Ông Lê Nguyên Chất - cán bộ thanh tra pháp chế và Nguyễn Thế Vinh - kiểm lâm viên cũng đã tường trình đưa ra những lý do ngoại phạm của mình.

Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, sau khi bắt giữ chiếc xe chở gỗ mang BKS 37C-060.12 đưa về Đội kiểm lâm cơ động số 1, tại đây Lê Đức Hải đã bị lực lượng Cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm về tham nhũng (C48 Bộ Công an) ập vào bắt quả tang hành vi nhận hối lộ.

Người đưa hối lộ có vi phạm pháp luật?

Theo luật sư Lê Quốc Hiền - văn phòng luật sư Lê Quốc Hiền, thuộc đoàn luật sư Thanh Hóa - phải chờ vào kết quả của cơ quan điều tra mới có thể kết luận được vụ việc.

Tuy nhiên, bằng trực quan và qua thông tin đại chúng có thể nói hành vi của kiểm lâm Lê Đức Hải vi phạm Khoản 3, Điều 279, tội nhận hối lộ. Của hối lộ có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 15 đến 20 năm.

Hình phạt bổ sung có thể: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến ba năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với hành vi của chủ hàng, nếu do công an tự theo dõi và phát hiện ra hành vi đưa hối lộ sẽ vi phạm Khoản 3, Điều 289. Tội đưa hối lộ có thể bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm.

Của hối lộ có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hình phạt bổ sung có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.

Trường hợp, nếu hành vi của chủ hàng có khai báo trước sẽ được áp dụng như sau: Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Duy Tuyên