1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Chủ tịch thành phố đề xuất "hiến kế" xử phạt cần thủ

(Dân trí) - Trước tình trạng cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân yêu cầu các Sở - ngành tham mưu cho thành phố ban hành chế tài xử phạt đối với hành vi câu cá, đánh bắt cá tại các tuyến kênh ở trung tâm thành phố…

Trong 2 năm vừa qua (2014 - 2015), tình trạng cá chết sau những cơn mưa lớn đầu mùa ở khu vực đầu nguồn tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nguyên nhân được xác định là do ô nhiễm cục bộ nước thải, rác thải sinh hoạt.

Mới đây nhất ngày 19/5, cá chết hàng
loạt trắng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (Ảnh: Đình Thảo)
Mới đây nhất ngày 19/5, cá chết hàng loạt trắng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (Ảnh: Đình Thảo)

Để hạn chế tình trạng cá chết trên dòng kênh mới hồi sinh này cũng như tại các tuyến kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở - ngành liên quan tham mưu cho UBND TP ban hành văn bản xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị,… nhằm giáo dục nâng cao ý thức của người người dân thành phố, trong đó có hành vi câu cá, đánh bắt cá.

Nhân viên môi trường vớt cá mang đi
tiêu hủy (Ảnh: Đình Thảo)
Nhân viên môi trường vớt cá mang đi tiêu hủy (Ảnh: Đình Thảo)

Đồng thời, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Môi trường TP tăng cường vớt rác trên kênh trước và ngay sau cơn mưa, không để rác làm ngăn dòng chảy, hạn chế tình trạng ô nhiễm cục bộ môi trường nước ở kênh; tăng cường bơm xử lý nước thải sau những cơn mưa đầu mùa lớn đầu mùa để giảm các chất độc hại trong môi trường nước kênh.

Sớm hoàn thiện, bổ sung dự án hệ thống dự trữ nước ở đầu kênh (quận Tân  Bình) để điều tiết, xử lý sau cơn mưa lớn đầu mùa, hạn chế sự thay đổi đột ngột môi trường nước kênh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cục bộ là một trong những nguyên nhân gây cá chết.

Rác thải, xác chết động vật bốc mùi
hôi thối ngay tại đầu kênh (quận Tân Bình) (ảnh chụp sáng 2/6)
Rác thải, xác chết động vật bốc mùi hôi thối ngay tại đầu kênh (quận Tân Bình) (ảnh chụp sáng 2/6)

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng giao Sở NN&PTNT TP  phối hợp với các đơn vi chuyên môn nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về nguyên nhân gây ra cá chết và có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu; đề xuất các loài cá bản địa thích hợp với môi trường nước ở khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và các tuyến kênh nhằm phục hồi, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Yêu cầu UBND các quận chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vứt rác trên bờ kênh và xuống kênh theo quy định pháp luật; kiểm điểm, phê bình trước tổ dân phố những trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường để giáo dục cho người dân.

Người dân câu cá trên
kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (ảnh chụp sáng 2/6)
Người dân câu cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (ảnh chụp sáng 2/6)

Từ năm 2014, một số phường ở quận 1, 3, Tân Bình,.. đã treo bảng cấm câu cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng đến nay vẫn không xử phạt được trường hợp nào. Trong khi đó, việc câu cá vẫn tiếp diễn. Bởi, việc cấm câu chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động chứ không thể xử phạt vì hiện nay chưa có quy định nào xử phạt về hành vi cấm câu cá trên các kênh, ao, hồ trong khu vực đô thị.

Trong khi chính quyền thành phố, cùng nhiều tổ chức xã hội, cá nhân đều đặn thả cá xuống dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hũ – Bến Nghé, thì một bộ phận người dân vẫn ra sức câu cá mặc dù đã có biển cấm câu cá đặt dọc kênh. Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị… và nguy hiểm hơn là tận diệt nguồn thủy sản trên những dòng kênh phải tiêu tốn hàng chục ngàn tỷ đồng mới được hồi sinh.

Quốc Anh