1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Chủ tịch Quốc hội ủng hộ đề xuất tăng quyền cho Thủ tướng

(Dân trí) - Cả 3 thẩm quyền bổ sung cho Thủ tướng (quyền giao quyền cho Bộ trưởng, thi hành lệnh tổng động viên…) đã được rút ra khỏi dự thảo luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi trình UB Thường vụ Quốc hội hôm nay, 9/4, nhưng lại nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Quốc hội.

Cụ thể, trình ra Quốc hội kỳ họp trước, cơ quan soạn thảo dự luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi (Bộ Nội vụ) đề xuất bổ sung nội dung mới (quy định tại các khoản 5, 6 và 9 Điều 24 của dự thảo) về thẩm quyền của Thủ tướng.

Đó là thẩm quyền giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; Tạm thời giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch UBND tỉnh; Quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân.

Sau các phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 cuối năm 2014, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, đa số các ý kiến nêu quan điểm không bổ sung nội dung các quy định mới.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị cho giữ lại các quy định mới nêu trên, vì cho rằng cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng, bảo đảm để nền hành chính thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Phải có cơ chế để Thủ tướng thực hiện quyền lực chứ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Phải có cơ chế để Thủ tướng thực hiện quyền lực chứ".

Tại UB Thường vụ Quốc hội sáng nay, 9/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng giải thích, để đảm bảo về vai trò lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, có hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước thì cần quy định thẩm quyền của Thủ tướng trong trường hợp khuyết như trên là phù hợp tinh thần Hiến pháp.

Đồng thời, trên thực tế từ trước đến nay, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khuyết Chủ tịch UBND (vì lý do sức khỏe, nghỉ hưu, điều đồng công tác) mà HĐND chưa kịp bổ sung Chủ tịch UBND, Thủ tướng đã có quyêt định chỉ định quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh, khi chức danh này bị khuyết.

UB Thường vụ Quốc hội nhận định, thẩm quyền của các thiết chế trong bộ máy nhà nước, bao gồm cả Chính phủ, Thủ tướng đều đã được Hiến định cụ thể. Nếu mở rộng bổ sung mới một số thẩm quyền sẽ không bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại quy định trong dự thảo luật theo hướng bám sát Điều 98 Hiến pháp, đưa ra khỏi dự thảo đề xuất tăng thẩm quyền cho Thủ tướng.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại cho rằng nên ủng hộ bổ sung quy định về quyền giao quyền cho Bộ trưởng, tạm giao quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh của Thủ tướng. Chủ tịch Quốc hội lập luận: “Phải có cơ chế để thực hiện quyền lực chứ không thể để trống. Lâu nay ta vẫn làm thế”.

Với quyền quyết định, chỉ đạo các biện pháp thi hành lệnh tổng động viên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần cân nhắc về quy định này và nếu bổ sung thì phải quy định cụ thể ngay trong luật: “Khi thi hành tổng động viên, trong trường hợp đó Thủ tướng được quyền gì, biện pháp nào, không thể nói chung chung”.

Một điểm khác, có ý kiến đề nghị giao Thủ tướng thẩm quyền phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu Phó Chủ tịch tỉnh; phê chuẩn, phê duyệt danh sách nhân sự trước khi giới thiệu bầu vào chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

UB Thường vụ Quốc hội lập luận, theo quy định của Hiến pháp, Thủ tướng có thẩm quyền phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, UB Thường vụ Quốc hội cũng không đồng ý  bổ sung quy định quyền “phê duyệt danh sách nhân sự trước khi bầu” của Thủ tướng vào dự thảo Luật.

Về vấn đề trách nhiệm, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng; đề nghị quy định trong luật mỗi quý một lần, Thủ tướng báo cáo trước nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Tán thành quan điểm cần cụ thể hóa quy định về chế độ báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng nhưng UB Thường vụ Quốc hội cũng nhận định, số lần báo cáo, nội dung cụ thể của mỗi lần báo cáo sẽ do Thủ tướng quyết định.

Dự thảo luật, theo đó, được chỉnh lý theo hướng quy định về trách nhiệm báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và Nhân dân (Điều 28).

P.Thảo