1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch Quốc hội: “Lãng phí nhìn thấy sờ sờ mà... đành chịu”

(Dân trí) - “Lãng phí nhìn thấy sờ sờ mà… đành chịu, không thấy quy trách nhiệm, “quy tội” được ai. Hệ thống cơ quan, đoàn thể, thanh kiểm tra đầy đủ nhưng các vụ lãng phí lớn đều do người dân, báo chí “tố”, hoặc do đấu đá nội bộ mới vỡ lở”…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thể hiện sự sốt ruột trong buổi thảo luận về dự thảo luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí sửa đổi tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 11/7.

Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu các nội dung quy định trong dự thảo luật sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu rõ 4 vấn đề hiện còn ý kiến khác nhau. Cụ thể, hiện vẫn còn nhiều tranh luận về phạm vi điều chỉnh của luật; trách nhiệm do ban hành chính sách gây lãng phí; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và điều khoản thi hành.
 
Chủ tịch Quốc hội: Lãng phí sờ sờ mà không quy tội được ai.
Chủ tịch Quốc hội: "Lãng phí sờ sờ mà không "quy tội" được ai".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ băn khoăn: “Câu chuyện lãng phí hiện tại ai cũng phải kêu trời vì xót ruột. Nhưng luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí ra đời có giúp ngăn chặn được lãng phí?”.

Ông Hùng nêu thực tế, bao nhiêu công trình thấy rõ lãng phí mà không ai bị xử lý. Lãng phí nhìn thấy sờ sờ mà… đành chịu, không thấy quy trách nhiệm, “quy tội” được ai. Đất đai bỏ hoang là lãng phí, mà chưa kể, có thể có cả tham nhũng, tiêu cực trong đó. Tổ chức lễ hội tràn lan, biến tướng sang cả mê tín, buôn thần bán thánh, đánh bạc… cũng quá sức lãng phí.

Đặt vấn đề như vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc chống lãng phí, thực hành tiết kiệm phải gắn liền với công cuộc phòng chống tham nhũng.

Bất cập hớn nhất, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng là nhà nước có đầy đủ hệ thống đảng, đoàn thể, cơ quan kiểm tra nhưng các vụ lãng phí lớn đều do người dân, báo chí “tố”, hoặc do đấu đá nội bộ mới vỡ lở. Hàng năm, tất cả các cơ quan đều báo cá việc này, từ báo cáo kết quả chống tham nhũng đến báo cáo tình hình kinh tế xã hội… nhưng cơ quan thanh kiểm tra vẫn… bất động.

Ông Hùng yêu cầu phải “nghe thông tin phản ánh rồi tiếp thu, kiểm tra, xử lý ra sao, lượng hóa lãng phí thế nào để đưa vào quy định, quy trách nhiệm”.

Thanh minh về vấn đề này, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển khẳng định dự thảo luật trình UB Thường vụ lần này đã tập trung vào xác định các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí, hành vi lãng phí và xử lý hành vi lãng phí, quy rõ hơn trách nhiệm người đứng đầu về việc giải trình, xử lý và bồi thường vụ việc lãng phí trong đơn vị. Tuy nhiên, ông Hiển thừa nhận khó nhất là xác định mức độ lãng phí. Do đó nên có tiêu chuẩn định mức để nêu được trách nhiệm cá nhân.

Vấn đề khó nhất đặt ra hiện nay là lượng hóa mức độ lãng phí, tổ chức thực hiện quy định với quan điểm đã phát hiện lãng phí, phải xử lý đến cùng, dựa vào tiêu chuẩn, định mức làm căn cứ xem xét, đánh giá.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai gợi ý xây dựng cơ chế công khai minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những trọng điểm quan trọng, nên mở rộng thêm, trừ những lĩnh vực bí mật để Luật có hiệu lực mạnh hơn.

Liên quan đến quy định các lĩnh vực phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, một số hoạt động huy động, sử dụng nguồn lực lớn của cộng đồng, cần phải công khai mục đích, mức độ quyên góp, sử dụng, không thể chỉ quy định mang tính chất khuyến khích, động viên.

Bà Mai lấy ví dụ quỹ BHXH, BHYT, do dân đóng góp, nhà nước quản lý, phải công khai để dân biết. Quỹ Vì người nghèo của MTTQ cũng phải công khai. Việc công khai hoạt động Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua được người dân rất ủng hộ.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội bày tỏ đồng tình với hướng đặt vấn đề làm rõ, cụ thể chế tài về trách nhiệm người đứng đầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội NguyễnThị Kim Ngân lưu ý việc quy trách nhiệm người đưa ra chính sách không phù hợp gây lãng phí. Đồng tình với ý kiến này, Phó Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, không loại bỏ khả năng có lợi ích nhóm trong ban hành chính sách.

“Bất lợi ở ta là trách nhiệm tập thể, việc cá thể hóa vai trò cá nhân để xử lý rất khó khăn. Do đó phải đề cao trách nhiệm cơ quan tham mưu và có thẩm quyền trong ban hành chính sách và phê duyệt đầu tư” – ông Khánh phân tích.

P.Thảo