Chủ tịch Quốc hội: Công khai minh bạch kinh phí ủng hộ chống dịch Covid-19
(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu công khai, minh bạch các khoản kinh phí thu được, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chiều 3/6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức lễ phát động nhắn tin "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và triển khai chương trình "Vắc xin cho công nhân".
Chương trình nhắn tin được thực hiện thông qua Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400. Chương trình "Vắc xin cho công nhân" thực hiện thông qua Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao động.
Chương trình nhằm kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đóng góp kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, huy động nguồn lực xã hội để người dân, trong đó có công nhân lao động có thể tiếp cận với vắc-xin sớm nhất. Số tiền ủng hộ từ Cuộc vận động và Chương trình sẽ được sử dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó ưu tiên mua vắc-xin cho các đối tượng chính sách, người nghèo, công nhân lao động, góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, từ ngày 27/4 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nước ta, diễn biến rất phức tạp. Đây là đợt bùng phát có số mắc cao nhất, lây lan nhanh nhất, với độc lực của chủng mới rất nguy hiểm. Đặc biệt, dịch bệnh không chỉ lây lan trong cộng đồng, mà còn đã tác động vào các cơ sở khám - chữa bệnh, các khu công nghiệp, nhất là tại Bắc Giang và Bắc Ninh. Một số nơi, sản xuất bị đình trệ, có nguy cơ làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng sản phẩm.
Theo thống kê, đến nay đã có 2.746 ca nhiễm Covid-19 trong công nhân lao động, hàng chục vạn công nhân là F1 và F2. Tổng số có hơn 150.000 công nhân lao động phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà, đã có công nhân trẻ bị tử vong vì Covid-19. Việc làm, thu nhập và đời sống sinh hoạt của người lao động nói chung và công nhân nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.
Ngay từ đầu năm 2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp bàn và đã quyết định huy động các nguồn của ngân sách Nhà nước và các nguồn lực xã hội để mua vắc-xin tiêm phòng cho toàn dân, đồng thời có chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác với các nước để sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 mang thương hiệu Việt Nam.
UB Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã bố trí hơn 13.000 tỷ đồng cho chiến dịch vắc-xin ngừa Covid-19. Dự kiến, cả nước sẽ huy động từ xã hội khoảng hơn 9.000 tỷ đồng. Số tiền ngân sách cũng như huy động từ cộng đồng có thể sẽ tiếp tục tăng lên nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát một cách căn bản.
Trên tinh thần đó, Chính phủ đã thành lập Quỹ Vắc xin phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngày 27/5, Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.
"Tôi đánh giá rất cao việc phát động nhắn tin toàn dân ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 và chương trình "Vắc xin cho công nhân". Đây là một việc làm hết sức thiết thực và có ý nghĩa hưởng ứng chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Toàn bộ số tiền tiếp nhận được tin nhắn sẽ chuyển về Quỹ vắc xin và hỗ trợ cho phòng chống dịch, trong đó ưu tiên mua vắc xin cho công nhân và người dân có hoàn cảnh khó khăn", Chủ tịch Quốc hội kêu gọi toàn dân nhắn tin ủng hộ chương trình giàu tính nhân văn và cấp thiết này.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các cơ quan có liên quan thực hiện công khai, minh bạch các khoản kinh phí thu được, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả đúng quy định của pháp luật để thiết thực trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội khái quát: "Mỗi tin nhắn ủng hộ của quý vị không chỉ góp phần vào chương trình vắc xin cho công nhân mà quan trọng hơn nữa đó chính là biểu hiện sinh động của tấm lòng nhân ái sự quan tâm sẻ chia của cộng đồng với anh chị em công nhân lao động trong lúc khó khăn, tạo động lực vật chất và tinh thần góp phần cùng cả nước kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh vì sức khỏe của mình và mọi người, vì sự an toàn của cộng đồng và xã hội".