1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ tịch Quốc hội: Có thẻ nhà báo vẫn bắt trình giấy giới thiệu - thủ tục rườm rà?

(Dân trí) - Ngày 22/12, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND, Chủ tịch Quốc hội khơi lại vấn đề báo chí tác nghiệp tại tòa chỉ cần thẻ nhà báo hay phải “nèo” thêm giấy giới thiệu…

Thực tiễn xét xử của Tòa án trong thời gian qua cũng cho thấy các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án xảy ra nhiều, có xu hướng gia tăng cả trước, trong và sau phiên tòa, gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc của Tòa án.

Mặc dù pháp luật có quy định về việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, xử lý các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, tuy nhiên các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn tản mạn và chưa cụ thể.

Do đó, việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định về các loại hành vi, hình thức, mức độ xử lý, thẩm quyền xử lý và thi hành quyết định xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án là hết sức cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội: Có thẻ nhà báo vẫn bắt trình giấy giới thiệu - thủ tục rườm rà?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Chỉ những phiên xử "vip" mới phải quy định bao nhiêu thẻ tác nghiệp cho báo chí".

Góp ý tại buổi thảo luận, các thành viên của UB Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ khái niệm hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án trong dự thảo; quy định cụ thể về hoạt động tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa, tránh rườm rà, nặng nề về thủ tục hành chính…

Liên quan đến quy định nhà báo dự phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu của cơ quan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt nhiều câu hỏi: Có phải nhất thiết nhà báo phải có thẻ mới được vào không? Phóng viên dự tòa có thẻ nhà báo rồi tại sao lại cần phải giấy giới thiệu? Tòa chỉ cho mấy nhà báo đến, hay không cho vào đưa tin, hay thế nào?...

Chủ tịch Quốc hội băn khoăn: “Pháp lệnh không quy định ai được vào mà lại quy định phạt? Đã có thẻ nhà báo lại còn đòi giấy giới thiệu, liệu có phải thủ tục hành chính rườm rà không? Anh không cho báo chí vào thì thôi chứ sao lại phạt?” .

Đáp lại thắc mắc của Chủ tịch Quốc hội về việc xử phạt báo chí, Chủ nhiệm UB Tư pháp (cơ quan thẩm tra dự thảo Pháp lệnh) Nguyễn Văn Hiện cho biết, trong trường hợp quy định báo không được vào, mời ra nhưng không ra, gây cãi lộn thì lúc đó mới xử phạt chứ không phải hành vi nào cũng xử phạt.

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cũng giải thích, theo quy định, Chánh án là người ban hành quy định thông tư phiên tòa. Đối với phóng viên báo chí đến tòa với tư cách pháp nhân thì bình thường, còn để tác nghiệp lại khác, phải có thẻ nhà báo và có giấy giới thiệu cơ quan.

Ông Bình thông tin, vấn đề yêu cầu 2 loại giấy tờ này chính Hội Nhà báo góp ý, đồng tình trong quá trình khi xây dựng nội quy phiên tòa và Chánh án TAND tối cao một lần nữa khẳng định, quy định như vậy là đúng.

Ông Bình cũng dẫn chiếu với quy định của một số nước, phóng viên vào tòa chỉ ngồi thôi chứ không được mang công cụ vào, các báo khi phản ánh chỉ vẽ lại chân dung bị cáo rồi báo lấy đăng, nếu không thì phiên tòa rất lộn xộn. Tại Việt Nan, báo nào, đài nào là chính thống, tòa cũng đã tổ chức phòng riêng để tác nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bung tiếp nhiều câu hỏi, Tòa xét xử công khai, nhà báo có được vào không? Dân chúng được vào không?... Lẽ ra phải quy định do nội dung phiên tòa, điều kiện chật hẹp nên chỉ bố trí được từng này phóng viên thôi; các phóng viên tác nghiệp ở phòng ngoài, còn trong phòng xử chỉ dành cho vài nhà báo thôi.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải giải quyết làm sao cho thỏa đáng việc này. Chỉ phiên tòa xử "vip" mới phải quy định bao nhiêu thẻ, chứ không quy định chung thẻ nhà báo và giấy giới thiệu cơ quan. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng nhắc cần cân nhắc quy định này khi tính đưa vào Pháp lệnh.

Theo kế hoạch ban đầu, Pháp lệnh này sẽ được Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp này nhưng sau khi xem xét, thảo luận, đánh giá nhiều mặt về nội dung, Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục hoàn thiện dự thảo để thông qua vào lần sau.

P.Thảo