Chủ tịch Quốc hội: “Ai “chạy” là không dùng!”
(Dân trí) - “Bất cứ trường hợp nào bị phát hiện chạy chức, chạy quyền là không dùng. Ai "chạy" là không dùng, hay nói nôm na đã "chạy" là không dùng…” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.
Sáng ngày 4/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn ĐBQH TP Cần Thơ đã có buổi tiếp xúc cử tri tại phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trước kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV.
Tại hội nghị, một số vấn đề mà cử tri phường An Nghiệp có ý kiến và kiến nghị đến đoàn ĐBQH TP Cần Thơ như việc giảm biên chế, luật lao động, chạy chức chạy quyền, tham nhũng,….
Ông Đinh Minh Hùng (cử tri khu vực 2) đánh giá cao thời gian qua các cơ quan Trung ương đã điều tra, xử lý nhiều vụ án có sai phạm về tiền rất lớn và Quốc hội đã giám sát rất tốt. Tuy nhiên, cử tri đề nghị Trung ương cần phải công bố thêm và cụ thể hơn kết quả thu hồi tiền tham ô để cử tri giám sát.
Ông Hùng cũng đề cập, vừa qua xảy ra tình trạng trẻ em bị lạm dụng, hành hạ,… rất đau lòng. Tuy nhiên, việc xử lý đối tượng gây ra lại rất nhẹ, đề nghị Quốc hội xem xét cần tăng mức phạt cao hơn nữa.
“Vấn đề chạy chức, chạy quyền theo tôi nếu có là không nhiều. Nhưng có "chạy" thì "chạy" ai? Và chúng ta không nên phòng, chống nữa mà hãy nói không với chạy chức, chạy quyền!”, ông Hùng kiến nghị.
Trả lời cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, những vụ án đã kết thúc điều tra, khi tòa xử xong đều công bố số tiền phải thu hồi.
Ví dụ như vụ AVG bán 95% cổ phần cho Mobifone thì chúng ta đã thu hồi được 9.000 tỷ, thậm chí cả gốc và tiền lãi theo lãi suất ngân hàng. Còn tiền tham nhũng thì sắp tới tòa xử chúng ta cũng xác định thu hồi tiếp bao nhiêu.
“Riêng vụ án này Nhà nước chưa mất tiền, nhưng lại mất thì giờ, công sức, mất niềm tin của nhân dân. Bây giờ phải lấy lại niềm tin của nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri tại phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) sáng ngày 4/10.
Bản án nặng nề nhất là “bản án lương tâm”
Về xâm hại trẻ em, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định đúng là vấn đề xuống cấp đạo đức xã hội. Xâm hại trẻ em là rất cụ thể, như ở nhà nào, xóm nào, khu phố nào,… Đây là trách nhiệm của chúng ta, trước hết là gia đình phải bảo vệ, giáo dục, chăm sóc con em mình.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dục, đánh đập, cưỡng bức lao động,… là vi phạm pháp luật. Còn việc xử lý cụ thể 200.000 đồng mà cử tri đặt ra đúng là xã hội rất bức xúc, do mức độ và áp dụng khung phạt hành chính.
“Tuy nhiên, những đối tượng này không chỉ phải đối diện bản án trước tòa, mà bản án nặng nề nhất là bản án lương tâm và sự xấu hổ trước gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cả xã hội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội rất quan tâm vấn đề xâm hại trẻ em, lần nào thảo luận cũng nêu ra. “Chúng tôi đã rà soát lại nhiều luật như hình sự, hành chính, bảo vệ trẻ em, bạo lực gia đình,… để làm tốt hơn công tác bảo vệ trẻ em. Và chúng tôi sẽ nghiên cứu lại đề nghị các mức phạt hành chính cho phù hợp”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội: "Xâm hại trẻ em thì bản án nặng nề nhất là bản án lương tâm".
Sử dụng cán bộ cần phải có cả đức, lẫn tài
Với ý kiến chạy chức, chạy quyền, trong đó cử tri có đặt vấn đề là "nếu có nhưng không nhiều, nhưng chạy ai", theo Chủ tịch Quốc hội thì “người có thẩm quyền với ai đó thì mới chạy được”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, chủ trương hiện nay của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đưa ra quy định là phòng, chống và xử lý nghiêm tất cả các trường hợp chạy chức, chạy quyền.
“Và bất cứ trường hợp nào phát hiện chạy chức, chạy quyền là không dùng. Ai chạy là không dùng hay nói nôm na đã chạy là không dùng. Và Bộ Chính trị, Ban chấp hành phải nêu gương, còn đảng viên, cán bộ, nhân dân thì giám sát phát hiện”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Trong công tác sử dụng cán bộ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu chỉ có phẩm chất đạo đức nhưng không có kiến thức, không có năng lực chuyên môn thì cũng không làm được việc.
“Giữa một người có đức cao hơn tài, một người có đức thấp hơn tài thì chọn người nào. Nếu là tôi, tôi sẽ chọn người vừa có tài, có đức nhưng cái đức cao hơn cái tài bởi vì người như vậy sẽ thu phục được rất nhiều người có đức có tài để làm việc”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm cá nhân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có những người không có bằng cấp nhưng năng lực thực tiễn, kinh nghiệm cuộc sống, suy nghĩ tư duy rất tốt, có thể không có bằng gì hết nhưng chỉ đạo thực tiễn rất hiệu quả, đây là những trường hợp cá biệt.
“Nên trong đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ, cần phải chú ý cán bộ có đức, có tài và những người có năng lực thực tiễn thật sự để công việc được giao làm có hiệu quả”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Huỳnh Hải