“Treo” quy hoạch với cán bộ chạy chức, tiếp tay cho chạy chức

(Dân trí) - Ngoài việc bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho việc này, tùy vào mức độ vi phạm, sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ 18-60 tháng, vĩnh viễn không được bố trí làm công tác tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành nêu rõ về các hành vi được xác định là chạy chức, chạy quyền.

Đó là hành vi tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn; hành vi tranh thủ lễ tết, sử dụng danh nghĩa tình cảm tặng quà, tổ chức vui chơi cho cán bộ lãnh đạo; lợi dụng quan hệ thân quen hoặc gây sức ép để được bổ nhiệm vào vị trí, chức vụ…

“Treo” quy hoạch với cán bộ chạy chức, tiếp tay cho chạy chức - 1
Quy định 205 của Bộ Chính trị khái quát biểu hiện chạy chức, chạy quyền và 8 biểu hiện hành vi bao che, tiếp tay cho vi phạm.

Bộ Chính trị cũng chỉ rõ những hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, như biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thoả hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Hành vi khác là không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền. Thậm chí là lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình.

Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân. Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Quy định 205 liệt kê hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi không chính đáng; Trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, môi giới cho nhân sự thực hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền nêu ở trên và các hành vi khác nhằm bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.  

Về chế tài xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi này sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu là cán bộ đang công tác tuỳ theo hình thức bị kỷ luật còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như, đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ ít nhất 18 tháng khi nhận mức kỷ luật khiển trách.

Nếu hành vi vi phạm bị kỷ luật ở mức cảnh cáo thì cán bộ đương chức “dính” vi phạm xem xét cho thôi tham gia cấp uỷ, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm. Đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ ít nhất 30 tháng. Người vi phạm bị kỷ luật cách chức thì bị đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ ít nhất 60 tháng.

Bên cạnh mức chế tài có thời hạn này, những cá nhân vi phạm ở bất cứ mức độ nào sẽ không thể được bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Trường hợp người vi phạm bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, Bộ Chính trị yêu cầu phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.

Các quy định có hiệu lực thi hành từ 23/9/2019, được phổ biến tới từng chi bộ Đảng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo của địa phương, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và hằng năm báo cáo cấp trên trực tiếp về kết quả thực hiện Quy định 205 này. Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan bao quát, tổng hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định để hàng năm báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

UB Kiểm tra Trung ương được yêu cầu chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới khung xử lý hành vi vi phạm nêu trong Quy định này.

Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan dân cử có nhiệm vụ giám sát công tác cán bộ đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các trường hợp vi phạm được phát hiện qua giám sát và phản ánh của nhân dân.

P.Thảo