Chủ tịch QH: Bỏ phiếu phải chống được “vận động”, chạy tín nhiệm
(Dân trí) - “Làm sao để đánh giá cán bộ thật khách quan, công bằng, đảm bảo điều kiện cho đại biểu bỏ phiếu có thông tin để đưa ra quyết định thật chính xác cũng như xây dựng thêm quy định cụ thể chống việc “vận động”, chạy tín nhiệm”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.
Chiều 12/12, UB Thường vụ QH bàn cụ thể về quy trình, cách thức tổ chức lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm để thực hiện việc này ngay trong kỳ họp tới của Quốc hội.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Nghị quyết của QH về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm mới chỉ quy định một cách khái quát về việc người được lấy phiếu tín nhiệm cần chuẩn bị báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của bản thân trong năm trước đó.
Ông Lý đề xuất cách thức, sau khi kết thúc năm công tác, trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mà mình phụ trách hoặc là thành viên, kết quả đánh giá cán bộ, đảng viên của cơ quan, cấp có thẩm quyền, những người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm chuẩn bị báo cáo bằng văn bản.
Bản báo cáo phải nêu nội dung tự nhận xét về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong năm công tác ngay trước năm Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Người được lấy phiếu cũng phải tự nhận xét về các nội dung tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của mình theo quy định của Luật cán bộ, công chức và các quy định khác về chuẩn mực đạo đức liên quan.
Chủ nhiệm UB Pháp luật cho biết, có ý kiến đề nghị không quy định việc báo cáo kết quả đánh giá tín nhiệm tại cơ quan này. Tuy nhiên, UB cho rằng đây là nội dung rất quan trọng, là một trong những căn cứ đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hiểu rõ hơn để đánh giá chính xác hơn về người được lấy phiếu tín nhiệm.
Về việc giải trình các nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của người được lấy phiếu do MMTQ tổng hợp cũng như giải trình theo yêu cầu của các đại biểu gửi đến người được lấy phiếu tín nhiệm trong năm công tác đó, UB Pháp luật hướng dẫn quy trình. Trường hợp này, cán bộ bị chất vấn có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trước ngày lấy phiếu tín nhiệm và gửi trực tiếp đến đại biểu đã có yêu cầu.
Vê việc xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Phan Trung Lý để xuất 2 phương án.
Phương án 1: tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm và xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức (nếu có) vào kỳ họp tiếp theo kỳ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm thời gian chuẩn bị các thủ tục liên quan đến nhân sự (dự thảo Nghị quyết đang thể hiện theo loại ý kiến này).
Phương án 2: giao UB Thường vụ QH, thường trực HĐND quyết định về thời điểm chấp thuận cho từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn miễn nhiệm đối với từng trường hợp cụ thể để bảo đảm tính linh hoạt trong công tác tổ chức cán bộ, bố trí, điều chỉnh nhân sự.
Ông Lý cũng nêu băn khoăn những điểm còn bỏ ngỏ về trách nhiệm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ của Đảng khi có người không đạt mức độ tín nhiệm cần thiết; trách nhiệm của người, cơ quan đã giới thiệu để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn người có tín nhiệm thấp; quy trình chuẩn bị nhân sự thay thế trong trường hợp người có tín nhiệm thấp cần đưa ra để Quốc hội, Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức.
Về mẫu phiếu thăm dò mức độ tín nhiệm, UB Pháp luật cũng đưa ra 3 phương án: thiết kế danh sách tất cả những người được lấy phiếu tín nhiệm tại mỗi cấp kèm theo chức vụ và mức độ tín nhiệm của từng người được ghi chung trong một lá phiếu; danh sách được được lấy phiếu thể hiện theo các nhóm chức vụ (tại QH sử dụng 4 loại phiếu, HĐND 2 loại) hoặc phương án thiết kế các lá phiếu khác tương ứng với từng chức vụ cụ thể (ví dụ Phiếu thể hiện tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Phiếu thể hiện tín nhiệm đối với Phó Chủ tịch nước, Phiếu thể hiện tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, Phiếu thể hiện tín nhiệm đối với Phó Chủ tịch và các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội… Theo đó, ở cấp QH sẽ có 9 loại phiếu, HĐND có 4-5 loại phiếu).
Góp ý về các nội dung đề xuất này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm, sau khi bị bỏ phiếu, kết quả thấp hơn 50%, cần tiến hành miễn nhiệm ngay với cán bộ đó. Cơ quan của công tác của cán bộ này cử người tạm điều hành công việc thay thế để kỳ họp tiếp theo, Quốc hội sẽ bầu, phê chuẩn người thay thế chính thức.
“Thời gian 6 tháng chuẩn bị sẽ thuận cho các cơ quan trong việc xây dựng công tác nhân sự” – ông Phúc phân tích.
Ông Hùng cũng lưu ý, trong quy trình lấy phiếu, bỏ phiếu, người sẽ bỏ lá phiếu đánh giá, quyết định số phận người cán bộ được lấy phiếu hết sức quan trọng. “Làm sao phải đánh giá được thật khách quan, công bằng, làm sao điều kiện cho đại biểu bỏ phiếu có thông tin, đưa ra quyết định thật chính xác. Đại biểu phải tự đánh giá người mình đã bầu với những thông tin cần thiết được cung cấp. Không tự đánh giá được thì không bỏ phiếu” – ông Hùng nhắc.
Người đứng đầu QH cũng nêu tình huống, đại biểu yêu cầu UB Thường vụ cung cấp thông tin, trả lời một số câu hỏi về cán bộ. Khi đó, UB Thường vụ QH cần yêu cầu UB Kiểm tra TƯ xác minh, trả lời. Ông Hùng yêu cầu xây dựng thêm quy định cụ thể chống việc “vận động”, chạy tín nhiệm.
Nhắc lại phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc trong phiên thảo luận trước đó, ông Hùng lưu ý: “Mỗi đại biểu bỏ phiếu không thực hiện quyền bỏ phiếu cá nhân mà là quyền dân cử. Kết quả bỏ phiếu lại không đúng nguyện vọng của người dân, dư luận là duy ý chí, không khách quan”.
Về việc khuyến khích từ chức, Chủ tịch QH cho rằng cần quy định cụ thể về việc công bố kết quả không đạt phải yêu cầu cán bộ làm đơn từ chức, “không chỉ dừng ở việc tỉ tê khuyên nên hay không nên”.
P.Thảo