TPHCM:
Chủ tịch nước trao đổi với cử tri về tiền lương, giá xăng
Về ý kiến của người dân liên quan đến điều chỉnh giá xăng dầu, Chủ tịch nước nêu rõ, đang có định hướng giảm dần bù lỗ. Về chế độ tiền lương, Chủ tịch nước bày tỏ, tình hình ngân sách còn eo hẹp, Nhà nước đang xem xét giảm biên chế để nâng lương.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Ngày 25/4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các Đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, đã tiếp xúc với hơn 400 cử tri quận 4.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã nghe các đại biểu Quốc hội báo cáo những nội dung trong chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII.
Diễn ra từ ngày 20/5 đến 25/6, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét 10 dự án luật và 1 nghị quyết. Cùng với quyết nghị các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng: tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thực hiện thu chi ngân sách, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Các ông Thân Trọng Hoa, phường 2; Nguyễn Đình Yên, phường 3; Nguyễn Văn Thiêm, phường 8; Cao Ngọc Lân, phường 16, Đặng Văn An, phường 5, bà Nguyễn Thu Hà, phường 14, Phan Thị Nhan, phường 1… đã thay mặt cho người dân quận 4 đề cập đến tình hình điều hành giá xăng dầu của các cơ quan Nhà nước thời gian qua và cho rằng thực tế giá xăng hiện nay chưa phản ánh đúng quy luật thị trường, duy trì ở mức cao nhiều hơn thay vì hạ giá. Hoạt động bình ổn thị trường vàng chưa tạo được chuyển biến tích cực khi giá vàng trong nước vẫn cao.
Các cử tri cũng đề xuất Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và có nhiều mức bảo hiểm y tế để người dân dễ dàng chọn lựa. Nhiều lễ hội được tổ chức trong thời gian qua còn nặng về yếu tố tâm linh, xem nhẹ việc tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Giáo dục được khẳng định là quốc sách hàng đầu, nhưng thu nhập giáo viên vẫn chưa đủ sống. Công tác thi đua khen thưởng có lúc còn chưa trúng đối tượng, hạn chế ý nghĩa động viên khích lệ phong trào. Trong cơ cấu khen thưởng cần giảm bớt các trường hợp giữ chức vụ lãnh đạo, thêm vào những người làm trực tiếp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các cử tri, nhấn mạnh một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp Quốc hội lần này là thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Bởi vậy, cử tri cả nước cần tiếp tục đóng góp ý kiến để Ban soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa nội dung phù hợp.
Trước nhiều kiến nghị trùng lặp của người dân về quyền sử dụng, sở hữu, cơ chế đền bù, chuyển nhượng đất đai, Chủ tịch nước khẳng định những quan tâm chính đáng của người dân sẽ được phản ánh đến Quốc hội, để giúp cơ quan lập pháp chỉnh sửa, ban hành các văn bản pháp lý đúng với chủ trương, đường lối, theo kịp diễn biến thực tế đời sống. Hiện tại, các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực hết sức để tháo gỡ những tồn tại.
Về ý kiến của người dân liên quan đến điều chỉnh giá xăng dầu, Chủ tịch nước đã trao đổi cởi mở với người dân và nêu rõ, việc điều hành thời gian qua của các cơ quan chức năng vừa tuân theo quy luật thị trường, nhưng không thả nổi mà có sự điều tiết của Nhà nước, với định hướng giảm dần bù lỗ.
Khẳng định bảo vệ chủ quyền quốc gia là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh những tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam đã ban hành chiến lược về phát triển kinh tế biển đến năm 2020. Đây là định hướng quan trọng để khai thác, phát huy tiềm năng biển phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời khẳng định chủ quyền biển, đảo.
Giải đáp về tái cơ cấu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đây là vấn đề hệ trọng, cần có thời gian, phải thực hiện thận trọng. Đảng, Nhà nước đã và đang thể chế hóa nhiều chủ trương và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, Quốc hội họp kỳ này cũng sẽ tiếp tục có chính sách cụ thể. Ghi nhận những ý kiến cho rằng chế độ tiền lương, chính sách đối với người có công còn nhiều bất cập, Chủ tịch nước bày tỏ, trước tình hình ngân sách còn eo hẹp, Nhà nước đang xem xét thực hiện giảm biên chế để nâng chế độ tiền lương.
Về việc tổ chức nhiều ngày lễ kỷ niệm, hoạt động văn hóa gây lãng phí, tình trạng thu phí quá nhiều gây bức xúc trong dư luận, đầu tư cho khoa học còn hạn chế, Chủ tịch nước cho rằng thực tế đã diễn ra nhiều nơi, tới đây các cơ quan chức năng sẽ tiếp thu nghiên cứu để siết lại vấn đề này.
Trước đó, cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các thành viên đoàn Đại biểu Quốc hội đã làm việc với Ủy ban Nhân dân Hồ Chí Minh về việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân trên địa bàn thành phố. Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong quý 1/2013, tình hình khiếu nại tố cáo trên địa bàn thành phố diễn ra ở mức độ bình thường. Nội dung khiếu kiện chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bồi thường, giải tỏa, tái định cư khi bị thu hồi đất tại các dự án. Nội dung đơn tố cáo phản ánh chủ yếu về hành vi của cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.
Ủy ban Nhân dân thành phố đã quan tâm quán triệt, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy liên quan đến công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo thông qua nhiều văn bản chỉ đạo điều hành. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại tố cáo được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức. Tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của toàn thành phố đạt tỷ lệ 84%. Tuy nhiên khiếu nại đông người vẫn còn diễn biến phức tạp, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư còn hạn chế, việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật tại một số quận chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục, giải quyết không dứt điểm dẫn đến khiếu kiện kéo dài như dự án chung cư Cô Giang, quận 1, Dự án khu Tứ giác Bến Thành.
Chủ tịch nước đã quan tâm và yêu cầu đại diện các cơ quan, ban, ngành của thành phố báo cáo về tình hình xử lý khiếu nại tố cáo với các vụ việc đang tồn đọng, do đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chuyển. Chủ tịch nước cho rằng, giải quyết khiếu nại tố cáo kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân.
Chủ tịch nước đề nghị các tổ công tác của thành phố cần tăng cường tiếp xúc, lắng nghe kiến nghị của người dân, tập trung tháo gỡ những tồn tại bất hợp lý. Chủ tịch nước nhấn mạnh, nếu lãnh đạo và cán bộ tăng cường đối thoại với người dân, tình hình khiến kiện chắc chắn thuyên giảm, quan trọng hơn là quan hệ giữa cán bộ và người dân gắn kết hơn. Đồng thời nhiều chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ được tuyên truyền phổ biến ngày càng hiệu quả.
Theo Hoàng Giang
VietNam+/TTXVN