Chủ tịch nước: Thu ngân sách cao khi doanh nghiệp khó khăn là bất thường
(Dân trí) - Chủ tịch nước nêu rõ cần nhìn nhận thực chất một số vấn đề, trong đó có việc vì sao ngân sách nhà nước tăng cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn.
Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội và thu ngân sách nhà nước năm 2021; kế hoạch năm 2022.
Thảo luận ở tổ TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau đại dịch, thành phố đã phục hồi nhanh trên tất cả các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động... "Nhiều chương trình của Nhà nước, xã hội được phát động, không khí đầu tư làm ăn trên địa bàn thành phố rất đáng mừng" - Chủ tịch nước nói, đồng thời lưu ý cán bộ các cấp không chủ quan, thỏa mãn với thành tích bước đầu, bởi phía trước còn rất nhiều khó khăn.
Chủ tịch nước nêu rõ cần nhìn nhận thực chất một số vấn đề, trong đó có việc vì sao ngân sách nhà nước tăng cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch. Theo ông, đây là điều cực kỳ bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do tác động của Covid-19, "khó khăn doanh nghiệp là không thể bàn cãi khi nền kinh tế rơi vào phong tỏa do tình hình dịch bệnh bất khả kháng".
Về thị trường chứng khoán, Chủ tịch nước cho rằng vừa qua có nhiều yếu tố tác động khiến thị trường "bốc hơi" mạnh. Chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng, nhưng trong thời gian ngắn vốn hóa thị trường bốc hơi khoảng 50 tỷ USD, trong khi FDI tăng mạnh nhưng cũng chỉ đem vào sản xuất trên 10 tỷ USD.
"Nói điều này để thấy rằng cần có những biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này. Đối với doanh nghiệp hiện có hai kênh quan trọng, một là tín dụng, hai là trái phiếu. Trái phiếu bản chất không phải xấu, chỉ có điều chúng ta điều phối, kiểm soát thế nào cho tốt, bởi những thị trường vốn này rất quan trọng đối với doanh nghiệp" - Chủ tịch nước nói.
Đề cập tới gói kích thích kinh tế, Chủ tịch nước cho biết, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xử lý một số vấn đề và thấy được khó khăn của doanh nghiệp, người lao động. Tuy nhiên, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, doanh nghiệp, người lao động được hưởng lợi còn ít. Cùng với các địa phương khác, TPHCM cần kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn để các gói hỗ trợ đi vào cuộc sống.
Theo Chủ tịch nước, trước mắt thấy những yếu tố có thể khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát. Giá cả năng lượng toàn cầu tăng, chu kỳ này tiếp tục thâm nhập sâu vào kinh tế Việt Nam. Đây là vấn đề cần lưu ý vì sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, khi yếu tố đầu vào tăng lên sẽ kéo theo các ngành kinh tế có thể rơi vào tình trạng khó khăn. Vì vậy, các gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn nữa, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo.
Trao đổi thêm tại tổ, Chủ tịch nước đề cập hiện tượng rút bảo hiểm xã hội hàng loạt, mấy trăm nghìn người rút một lần. "Những việc như vậy khiến chúng ta phải suy nghĩ, phải thấy được bản chất vấn đề là người lao động không muốn rút đâu, nhưng họ có khó khăn và đang gặp trở ngại, do vậy chúng ta phải có những chính sách phù hợp" - Chủ tịch nước nêu rõ.